Tin đồn Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt đã khiến cho thị trường chứng khoán (TTCK) cách đây 2 hôm lao dốc mạnh nhất trong 6 tháng qua. Hệ quả là không ít nhà đầu tư bị thiệt hại trong vụ này.
Tại điểm giao dịch Ngân hàng BIDV phố Bà Triệu (ảnh chụp lúc 11 giờ 38 phút ngày 22/2). |
Do vậy, ngày 22/2, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như các chuyên gia chứng khoán khuyến cáo người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư (NĐT) cần thận trọng và tỉnh táo trước các tin đồn thất thiệt để tránh những thiệt hại không đáng có.
Kẻ tung tin đồn để trục lợi?
Ngày 22/2, đại diện NHNN cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Bộ Công an để làm rõ nguồn gốc tin đồn Chủ tịch HĐQT BIDV bị bắt xuất hiện trong ngày 21/2 để có biện pháp xử lý.
Trước đó, vào ngày 21/2, trên thị trường đã xuất hiện tin đồn Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà bị bắt. Việc này gây tác động cộng hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, tỷ giá và giá vàng. Chỉ số Vn-Index giảm tới 18 điểm chỉ trong quãng giao dịch ngắn. Đây là mức giảm với biên độ lớn nhất từ sau cuối tháng 8/2012 đến nay. Tuy nhiên, thanh khoản cả hai sàn có tín hiệu lạ vì tin đồn này khiến giá cổ phiếu giảm nhưng giá trị giao dịch lại tăng mạnh. Điều này cho thấy, việc tung tin đồn là có chủ ý để trục lợi.
Theo Tổng giám đốc Công ty chứng khoán FLC Phạm Đức Thắng, tin đồn thất thiệt trên đã gây thiệt hại lớn cho NĐT bởi trong phiên giao dịch ngày 21/2 đã dẫn đến sự thay đổi giá của một số cổ phiếu bất thường trong cùng một phiên, từ giá trần rơi xuống giá sàn. Đối với sàn giao dịch ở Hà Nội, sự thay đổi đó là 20%, còn tại Thành phố Hồ Chí Minh là 14%. “Việc một số cổ phiếu rớt giá như vậy đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới khối tài sản của nhiều NĐT, đặc biệt là các NĐT nhỏ lẻ. Và, không loại trừ người tung tin đồn sẽ có lợi lớn khi giá một số cổ phiếu rớt giá như vậy”.
Trước đó, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng nhận định rằng, những kẻ tung tin đồn nói trên có lẽ đã kiếm được ít nhất 500 - 700 tỷ đồng từ các TTCK, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua. Rõ nhất là TTCK xuất hiện 4 mã có nghi vấn bị làm giá.
Một số chuyên gia phân tích chứng khoán chia sẻ: Trong khi nhiều NĐT ồ ạt bán cổ phiếu vào ngày xuất hiện tin đồn về lãnh đạo BIDV bị bắt thì nhiều NĐT nước ngoài và quỹ tổ chức lại mua vào nhiều với tổng giá trị giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng.
Trong khi NHNN, Bộ Công an đang vào cuộc điều tra vụ tung tin đồn này, ngày 22/2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) có Công văn số 597/UBCK-VP đề nghị các sở giao dịch chứng khoán phối hợp với Trung tâm Lưu ký chứng khoán rà soát toàn bộ các giao dịch trong thời gian gần đây, đặc biệt là phiên giao dịch ngày 21/2, kịp thời báo cáo UBCKNN; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các hành vi tung tin đồn, đầu cơ trục lợi. Một chuyên gia ngân hàng nhận định: Vụ việc điều tra chắc chắn sẽ không quá khó khăn, chỉ cần tìm hiểu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán.
Tỷ giá ngoại tệ trong mấy ngày qua cũng diễn biến bất thường, trong đó một phần do tin đồn. Sau Tết, một số ngân hàng lớn tăng cường mua đôla để cân bằng trạng thái và phục vụ nhu cầu thanh toán đến hạn. Động thái này càng khiến giới đầu tư bán tín bán nghi về khả năng điều chỉnh, tỷ giá ngoài chợ đen tăng nhanh qua mốc 21.000 đồng/USD. Thị trường càng thêm nóng khi tin đồn Chủ tịch BIDV bị bắt loan đi, các ngân hàng nhỏ cũng tăng cường mua đôla khiến tỷ giá trong ngân hàng cũng leo qua mốc 21.000 đồng/USD.
Trước diễn biến này, đại diện NHNN khẳng định: NHNN sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng ổn định và sẵn sàng can thiệp để bình ổn thị trường ngoại tệ trên cơ sở đánh giá diễn biến kinh tế vĩ mô, định hướng điều hành chính sách tiền tệ, diễn biến cung cầu trên thị trường ngoại tệ và các yếu tố liên quan.
Ngân hàng hoạt động bình thường sau tin đồn
Theo khảo sát của phóng viên Tin tức ngày 22/2 tại một số điểm giao dịch của Ngân hàng BIDV tại phố Bạch Mai, Bà Triệu, Lê Thánh Tông, Lạc Trung... (Hà Nội), sau tin đồn liên quan tới BIDV, lượng khách tới các chi nhánh, điểm giao dịch của ngân hàng này để giao dịch vẫn diễn ra bình thường. Trao đổi với phóng viên Tin tức chiều 22/2, các nhân viên tại quầy giao dịch ở một số chi nhánh của BIDV khẳng định: Rất ít khách hàng hỏi về sự cố tin đồn và nếu có hỏi thì BIDV đã có thông tin chính thức bác bỏ tin đồn này.
Tương tự tại điểm giao dịch BIDV tại Tòa nhà Vincom (Bà Triệu, Hà Nội), mặc dù đã hết giờ giao dịch buổi sáng (11 giờ 30 phút) nhưng một vài khách hàng vẫn tới gửi tiền, có khách hàng tới tìm hiểu về Chương trình Lộc xuân may mắn 2013. Một nhân viên tại điểm giao dịch BIDV tại Vincom cho biết: Ngày 22/2 còn có khách hàng tới gửi tới vài tỷ đồng. Mọi hoạt động của chi nhánh này vẫn diễn ra bình thường...