Các thị trường chứng khoán toàn cầu ngày 6/1 đồng loạt giảm điểm trong khi đồng euro rớt xuống mức giá thấp nhất trong vòng 9 năm qua trước khả năng Hy Lạp có thể phải rời bỏ khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).
Chứng khoán lao dốc
Kết thúc phiên giao dịch ngày 6/1, theo đà giảm điểm của chứng khoán ở Mỹ và châu Âu hôm trước, chỉ số Nikkei của Nhật Bản dẫn đầu xu thế giảm điểm ở châu Á. Chỉ số này mất 3,02% giá trị, trong khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc và Australia giảm lần lượt 1,74% và 1,57%. Chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc cũng giảm điểm nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
Sàn giao dịch chứng khoán New York cuối phiên 5/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trên thị trường châu Âu lúc giữa phiên, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tiếp tục đà sụt điểm của ngày hôm trước với FTST 100 của Anh giảm 1,26%, DAX của Đức giảm 0,13% còn CAC 40 của Pháp giảm 0,45%. Các mức giảm này nhẹ hơn ngày 5/1 khi các chỉ số đều mất hơn 3%. Mở cửa thị trường Mỹ ngày 6/1, các chỉ số chứng khoán đồng loạt nhuốm sắc đỏ: Dow Jones và Nasdaq cùng giảm hơn 1,8%, còn S&P giảm hơn 1,5%.
Trong khi đó, đồng euro đã tiếp tục giảm giá so với đồng USD, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2006 sau bình luận của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, rằng giảm phát là mối đe dọa của Eurozone và ECB phải sẵn sàng với khả năng đồng euro tiếp tục giảm giá.
Trên thị trường trái phiếu, lãi suất trái phiếu ở Đức và Pháp ngày 6/1 đã chạm mức thấp kỷ lục mới. Trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Pháp chỉ còn 0,772% trong khi trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức còn 0,484%. Lãi suất trái phiếu giảm kỷ lục do nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào trái phiếu chính phủ được cho là an toàn hơn chứng khoán.
Nhân tố Hy Lạp
Các thị trường thế giới lo ngại Hy Lạp có thể không còn là thành viên của Eurozone sau cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn của nước này vào ngày 25/1 tới. Hy Lạp buộc phải bầu cử quốc hội sớm do vướng vào khủng hoảng chính trị. Thủ tướng Antonios Samaras thuộc đảng Dân chủ mới (ND) đã không thể thuyết phục quốc hội bỏ phiếu bầu ông Stavros Dimas - một thành viên của đảng này làm tổng thống. Vị trí tổng thống Hy Lạp tuy chỉ mang tính nghi thức nhưng có thể giúp liên minh đảng cầm quyền của ông Samaras tồn tại được một thời gian nữa để thương lượng với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho phép Hy Lạp rút khỏi các biện pháp thắt lưng buộc bụng không được lòng dân.
Trong khi đó, đảng ND của ông Samaras lại đang có tỷ lệ ủng hộ thấp hơn đảng Syriza theo đường lối cực tả có xu hướng chống các chính sách của châu Âu. Syriza hiện dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước thềm bầu cử. Đảng này cam kết sẽ hủy bỏ các biện pháp cải cách mà EU và IMF đang áp đặt lên Hy Lạp, gây ra khả năng nước này rời Eurozone. Cụ thể, Syriza cam kết giảm thuế, tăng trợ cấp nhà nước và chi tiêu cho dịch vụ công.
Trước đó, với điều kiện là phải thực hiện các biện pháp cải cách ngặt nghèo, Hy Lạp đã được EU và IMF cấp hai gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro khi nước này lâm vào khủng hoảng nợ công suýt nhấn chìm Eurozone. Nhờ hai gói cứu trợ này mà Hy Lạp không phải rời Eurozone. Bất ổn chính trị ở Hy Lạp hiện nay có thể đẩy nước này trở lại thời kỳ suy thoái, khiến nỗ lực giảm nợ công tương đương 175% GDP gặp khó khăn.
Trước khả năng Hy Lạp rời Eurozone và biến động của đồng euro, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble đều cho rằng có thể quản lý được tình hình trong trường hợp đảng Syriza của Hy Lạp chiến thắng trong bầu cử quốc hội. Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 5/1 đã kêu gọi Hy Lạp thực hiện cam kết với châu Âu: “Người Hy Lạp được tự do lựa chọn số phận. Nhưng cũng phải nói rằng có một số cam kết cụ thể cần phải tôn trọng”. Phát ngôn viên của Ủy ban châu Âu khẳng định rằng tư cách thành viên Eurozone là không thể thay đổi theo các hiệp ước của EU.
Thùy Dương