Thấy gì qua phiên thảo luận cấp cao khóa 68 Đại hội đồng LHQ?

Phiên thảo luận cấp cao của khóa họp 68 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) vừa diễn ra tại trụ sở chính của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh này, ở New York, Mỹ.

Phiên khai mạc thảo luận khóa 68 Đại hội đồng LHQ hôm 24/9/2013.

Gọi là thảo luận thế thôi, chứ thực ra các diễn giả của 193 quốc gia thành viên LHQ chỉ đến để trình bày những vấn đề họ đang quan tâm nhất, gói gọn trong mươi phút, mà không thảo luận gì với ai cả. Ai nói xong người nấy về, còn người ngồi nghe đều ở cấp thấp hơn, trừ những trường hợp thật đặc biệt.


Theo thông lệ, Tổng thống Braxin và Mỹ luôn được đăng đàn đầu tiên, sau đó lần lượt các tổng thống, rồi thủ tướng, ngoại trưởng, thứ trưởng… các nước được mời lên bục, theo sắp xếp của ban tổ chức, không có ưu tiên. Phiên thảo luận năm nay có gần 140 tổng thống, thủ tướng, còn lại bộ trưởng, thứ trưởng ngoại giao, thậm chí có nước chỉ là đại sứ, lần lượt phát biểu trong nhiều ngày. Lịch chi tiết của phiên họp được gửi trước cho các nước, vì thế, khán phòng lúc đông, lúc vắng, tùy thuộc vào ai nói, và nói về chủ đề gì. Thế nên, không ít vị “chán hẳn” do mất cả nghìn dặm bay, nhưng khi đăng đàn, chỉ lèo tèo vài chục người nghe, hoặc đang nói, đại diện nước này, nhóm nước kia bỏ ra ngoài… hút thuốc để phản đối. Đây là chuyện được phép và rất bình thường ở LHQ.


Đã 8 năm nay, Tổng thống Iran M. Ahmedinejad, người vừa hết nhiệm kỳ, luôn bị các đại biểu bỏ ra ngoài mỗi khi phát biểu. Bởi ông luôn rất cứng rắn, thách thức, chọc giận mọi người, ví như dọa “xóa sổ” Nhà nước Do Thái, hoặc coi vụ khủng bố 11/9/2001 ở New York là do Mỹ “tự tạo ra” để lấy cớ đánh người khác... Nhưng năm nay khác hẳn, tân Tổng thống Iran Hassan Rouhani được chờ đợi ngay từ khi chưa tới nơi, và bài nói của ông được các nguyên thủ, thủ tướng nhiều nước đến nghe. Riêng đại diện của Israel vẫn bỏ ra ngoài.


Năm nào cũng vậy, đến phút chót, nhiều vị vẫn… bỏ họp, và năm nay cũng thế. Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro đã hủy đăng đàn do đoàn tháp tùng của ông “không được Mỹ tôn trọng”. Riêng Arập Xêút, chỉ vì giận đồng minh Mỹ có vẻ như “sắp đánh bạn với Iran”, nên đã bỏ phí một cơ hội nói với bàn dân thiên hạ về loạn lạc ở Trung Đông cũng như vai trò của họ, nơi có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất nhì thế giới, trong việc duy trì an ninh năng lượng toàn cầu.


Có lẽ vì “cơ chế” như thế của LHQ, nên nhiều người vui tính đã ví nó như một trung tâm thương mại cực lớn, họp quanh năm suốt tháng, mặc kẻ ra, người vào; đến muộn, về sớm; lấy bông bịt tai, hay giũ áo đứng dậy; thậm chí tháo giầy gõ bồm bộp lên bàn... (đều đã xảy ra tại đây). Nhưng đấy chỉ là bề ngoài thôi, còn mỗi khi một nghị quyết được nơi đây thông qua, nó liên quan tới sinh mệnh và cơm áo của nhiều triệu người, nhất là những nghị quyết mang tính ràng buộc của Hội đồng bảo an, cơ quan quyền lực cao nhất của LHQ. Song, cũng phải thừa nhận không phải văn kiện nào của LHQ đều được thực hiện triệt để, và cũng không phải lúc nào tổ chức này cũng được tôn trọng như người cầm cân, nảy mực, mà việc Mỹ vượt mặt LHQ để đánh Iraq (2003) và Nam Tư ((1999), là những thí dụ điển hình.


Trở lại với phiên họp năm nay, Mỹ vẫn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất: Bị phê phán từ việc cậy thế nước lớn, xâm phạm chủ quyền nước khác, lén lút do thám, theo dõi muôn nơi, muôn người, ngay cả trụ sở LHQ cũng bị dòm ngó; đến việc đe dọa chiến tranh (chống Syria), làm “nóng” toàn cầu; hay buôn bán không công bằng; chà đạp quyền con người, trịch thượng rao giảng đủ thứ... Nhiều nước mạnh mẽ yêu cầu Mỹ phải có trách nhiệm hơn trong việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu, bảo đảm hòa bình, an ninh cho nhân loại, tái thiết hòa bình ở Trung Đông, ngăn chặn nguy cơ xung đột tại nhiều khu vực, và ngăn chặn những mối đe dọa an ninh chung...


Hầu hết các diễn giả đều đề cập tới Syria, hoan nghênh sáng kiến của Nga, giúp tạm thời tháo ngòi nổ cho một cuộc chiến tại đây. Trong khi kêu gọi Damascus chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết về giải giáp vũ khí hóa học, các nước đồng loạt hoan nghênh chiều hướng mềm dẻo mới của nước “Iran mới” do ông Rouhani đứng đầu, và hy vọng vấn đề hạt nhân gây tranh cãi triền miên của nước này sẽ dần được gỡ bỏ. Ngoài ra, các chủ đề như cải tổ LHQ, chống biến đổi khí hậu toàn cầu, bình đẳng giới, an ninh lương thực, an ninh mạng, tranh chấp biển đảo... đã được nhiều nước đề cập, kèm theo những đề xuất giải quyết rất cụ thể.


Cần nhấn mạnh rằng “Chương trình nghị sự cho phát triển sau 2015” là chủ đề bao trùm khóa họp 68 ĐHĐ LHQ, nhằm hướng tới một thế giới bình yên và phát triển sau khi kết thúc giai đoạn đầu của quá trình thực hiện Các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ(MDGs) vào thời điểm trên. Và thật tuyệt vời khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành trọn bài phát biểu “Nhân loại cần một thế giới không có chiến tranh, không còn đói nghèo” hôm 27/9 trước ĐHĐ, để nói về chủ đề ấy. Thủ tướng giới thiệu một Việt Nam anh hùng, lột xác từ đống tro tàn của những cuộc chiến tàn khốc, đã và đang có những đóng góp xứng đáng vào sứ mệnh hòa bình và phát triển của LHQ, luôn là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm của tổ chức này.


Quả là không gì thuyết phục hơn khi chính những người trong cuộc nói về những gì họ đã phải đương đầu. Với Việt Nam, đấy là chiến tranh, đói nghèo và lạc hậu. Và thuộc thế hệ bước ra từ khói lửa chiến tranh, từ những năm tháng lo ăn từng bữa, Thủ tướng ta đã khẩn thiết kêu gọi hòa bình, đưa ra các biện pháp cụ thể để ngăn ngừa chiến tranh, xung đột; tha thiết mong mỏi bạn bè năm châu cùng chung tay đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu; cầu mong muôn nơi, muôn người đều có cơm no, áo ấm, đều được học hành, và được chăm sóc y tế như nhau.


Một thông điệp nhân văn như thế, của người trong cuộc như thế, đương nhiên đã rất rộng đường đi vào lòng người, được báo chí toàn cầu in đậm ngay sau khi tác giả của nó chưa kịp rời khỏi phòng họp.


Và đấy là ấn tượng sâu sắc nhất, mạnh mẽ nhất của người viết bài này về phiên thảo luận cấp cao ấy.


Phạm Phú Phúc (P/v TTXVN tại LHQ)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN