Nhân kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995 - 28/7/2015):

Thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm

Ngày 28/7/2015 đánh dấu tròn 20 năm Việt Nam gia nhập mái nhà chung Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đây là một dấu mốc lớn đánh dấu quá trình hội nhập khu vực của Việt Nam cũng như tiến trình hợp tác, liên kết của cả khu vực. Từ những bước đi bỡ ngỡ ban đầu, Việt Nam đã ngày càng trưởng thành, chủ động tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của ASEAN với tinh thần trách nhiệm, được các nước đánh giá cao.

Lựa chọn tất yếu


ASEAN là một khu vực có vị trí địa chính trị quan trọng và được đánh giá là một trong những khu vực phát triển năng động nhất trên thế giới hiện nay. Việc gia nhập ASEAN năm 1995 của Việt Nam được đánh giá là một quyết định rất quan trọng, có ý nghĩa cả ở tầm quốc gia và khu vực. Ở tầm quốc gia thì đây là quyết định đã tạo cho Việt Nam sự gắn kết với khu vực, cùng với khu vực xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác, phục vụ cho hai nhiệm vụ chiến lược là bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Quyết định này cũng tạo cơ hội và tạo đà cho Việt Nam hội nhập khu vực, từ hội nhập khu vực đến hội nhập quốc tế; đồng thời giúp Việt Nam tăng cường và nâng cao vị thế hình ảnh của mình, mở rộng hợp tác với các nước không chỉ trong khu vực mà với cả các nước đối tác lớn và các nước trong cộng đồng quốc tế.

Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam qua các thời kỳ và đại diện ngoại giao các nước ASEAN tại lễ kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập ASEAN.


Ở tầm khu vực, vào thời điểm năm 1995, khu vực Đông Nam Á còn rất nghi kỵ, thậm chí căng thẳng với nhau thì việc ASEAN kết nạp Việt Nam cũng như Việt Nam gia nhập ASEAN đã tạo cho môi trường khu vực gắn kết lại với nhau hướng tới một ASEAN gồm 10 nước Đông Nam Á. Với việc Việt Nam tham gia, ASEAN có điều kiện hơn để hướng tới xây dựng cộng đồng và đóng góp vai trò trung tâm của mình trong hòa bình, ổn định và hợp tác khu vực.

Nhìn lại toàn bộ quyết sách của Việt Nam tham gia ASEAN và quá trình tham gia ASEAN trong thời gian vừa qua có thể thấy Việt Nam có được môi trường hợp tác hòa bình, ổn định trong bối cảnh đang tiến hành đổi mới, khắc phục hậu quả của chiến tranh để hướng tới hội nhập vào khu vực và quốc tế; giúp cho Việt Nam phát triển về kinh tế, tranh thủ sự giúp đỡ, đầu tư của các nước ở khu vực; nâng cao hình ảnh, vị thế, không chỉ mở rộng quan hệ song phương với các nước trong khu vực, mà còn với các đối tác lớn của ASEAN.

Chủ động và có trách nhiệm

Trong tiến trình hội nhập ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trên tất cả các lĩnh vực hợp tác cũng như trong việc xác định tương lai phát triển, phương hướng hợp tác và các quyết sách lớn của ASEAN.

Ngay sau khi tham gia, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc kết nạp các nước Lào, Myanmar và Campuchia vào ASEAN, góp phần hoàn tất ý tưởng về một ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở Đông Nam Á, mở ra một trang mới của đoàn kết, hữu nghị và hợp tác ở khu vực.

Chỉ ba năm sau khi trở thành thành viên ASEAN, Việt Nam đã để lại trong lòng bạn bè ASEAN và quốc tế những ấn tượng sâu sắc với việc tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 (tháng 12/1998). Sau đó, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (nhiệm kỳ 2000 - 2001), Việt Nam có những tuyên bố quan trọng của ASEAN. Với kết quả là Tuyên bố Hà Nội về Thu hẹp khoảng cách phát triển được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 34 (tháng 7/2001), thể hiện nỗ lực thúc đẩy hợp tác và tăng cường liên kết khu vực, bảo đảm sự phát triển cân bằng và bền vững của Hiệp hội.

Sau những nét phác thảo về Cộng đồng ASEAN theo đề xuất của Singapore về trụ cột kinh tế năm 2002 và Indonesia về trụ cột an ninh năm 2003, Việt Nam đã hoàn tất bức tranh Cộng đồng ASEAN với đề xuất trụ cột văn hóa - xã hội.

Hiện thực hóa ý tưởng về Cộng đồng ASEAN, Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào việc xây dựng các văn kiện định hướng lớn của ASEAN như Chương trình Hành động Vientian năm 2004, Hiến chương ASEAN năm 2008 và Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN (2009 - 2015); đưa bộ máy mới của ASEAN đi vào hoạt động chính thức, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là trong vấn đề hòa bình, ổn định hợp tác trong khu vực.

Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ASEAN chuyển sang giai đoạn mới, đó là hướng tới mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 với 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội, và các hoạt động trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN.

Việt Nam đã chủ động đề xuất sáng kiến, ủng hộ hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên của ASEAN như: An sinh xã hội, môi trường, quản lý thiên tai, biến đổi khí hậu và thúc đẩy, bảo vệ quyền của lao động di cư. Trên cương vị là Chủ tịch Nhóm Công tác ASEAN về Biến đổi khí hậu (giai đoạn 2014 - 2015), Việt Nam chủ trì cùng các nước thành viên xây dựng Tuyên bố chung ASEAN về Biến đổi khí hậu 2014 và được thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEAN-25 (tháng 11/2014).

Trên trường quốc tế, Việt Nam luôn cùng các nước thành viên khác phát huy vai trò của ASEAN trong các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, Việt Nam đã xây dựng được những tiếng nói đồng thuận về sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định khu vực; thúc đẩy các bên liên quan đi đến triển khai Tuyên bố ASEAN - Trung Quốc về ứng xử ở Biển Đông (DOC) để hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Nhìn lại chặng đường 20 năm gắn kết và hội nhập với ASEAN, Việt Nam đã có những nỗ lực lớn để trở thành một thành viên quan trọng, góp phần vào sự thịnh vượng, hòa bình và ổn định của khu vực.

Phương Hồ ((tổng hợp))
Hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc về DOC lần thứ 9
Hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc về DOC lần thứ 9

Hội nghị SOM ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông lần thứ 9 đã diễn ra tại Thiên Tân, Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN