Những năm trở lại đây, thành phố Đà Nẵng luôn được biết đến là một trong các tỉnh, thành phố trong cả nước có sự phát triển năng động về mọi mặt. Có thể kể đến là sự thay da đổi thịt của thành phố về kết cấu hạ tầng giao thông, về quy hoạch đô thị và đời sống người dân.
Sau khi tách khỏi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ và được công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 15/7/2003, đến nay, sau 10 năm chuyển mình và phát triển, Đà Nẵng đã trở thành hạt nhân và là đầu tàu của cả vùng miền Trung và Tây Nguyên. Đà Nẵng đang phấn đấu xây dựng trở thành một thành phố "xanh", một thành phố văn minh, một thành phố "thông minh", "đáng kinh doanh đầu tư" và "đáng sống".
Diện tích tự nhiên của Đà Nẵng gần 1.300 km2, trong đó các quận nội thành chiếm khoảng 16% và các huyện ngoại thành chiếm 84% diện tích. Những năm qua, Đà Nẵng là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa cao trong cả nước. Chỉ sau 7 năm chia tách, Đà Nẵng đã phát triển trở thành đô thị loại 1 vào năm 2003 khi đạt mức tiêu chuẩn về môi trường, mật độ dân cư, có sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ và năng lực quản lý. Kinh tế thành phố phát triển khá ổn định, tăng trưởng liên tục qua các năm với tốc độ trung bình đạt trên 19%/năm (1997- 2012), cao hơn so với bình quân 7,27% của cả nước.
Cơ cấu kinh tế cũng đang có sự chuyển dịch tích cực và đúng hướng, từ công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp sang dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, trong đó tập trung phát triển ngành dịch vụ du lịch trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Thu nhập bình quân đầu người cũng được nâng lên rõ rệt qua từng năm. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 1997 là 4,8 triệu/người/năm, năm 2000 là gần 5,7 triệu/người/năm, đến năm 2012 đã đạt mức gần 48 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 10 lần so với năm 1997). Thành phố đã triển khai nhiều chính sách xã hội tốt, giàu tính nhân văn và đang thực hiện với sự ủng hộ và tham gia của đông đảo nhân dân.
Đúng vào dịp kỷ niệm 38 năm ngày giải phóng (29/3/1975- 29/3/2013) Đà Nẵng khánh thành thêm 3 chiếc cầu bắc qua sông Hàn (cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý và cầu Nguyễn Tri Phương). Đến nay trên dòng sông Hàn đã có 9 chiếc cầu được bắc qua. Trước giải phóng Đà Nẵng chỉ có 2 cây cầu (một cầu đường bộ và một cầu đường sắt). Giờ đây, có thể nói Đà Nẵng là thành phố của những chiếc cầu. Từ xa xưa, những cây cầu bắc qua dòng sông với nhiệm vụ chính là nối liền đôi bờ để người dân qua lại dễ dàng và sự giao lưu trên các mặt văn hóa, kinh tế được thuận lợi, nhưng với thành phố Đà Nẵng, dường như mỗi cây cầu là một tác phẩm nghệ thuật, mang trong mình những nét độc đáo riêng.
Cầu sông Hàn được xây dựng với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" và đến nay vẫn được xem là chiếc cầu quay duy nhất ở Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Cầu Thuận Phước với dáng dấp hiện đại hiên ngang đứng giữa cửa ngõ biển trời bao la, biểu tượng của giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và khẳng định sức bật mới của thành phố trẻ bên sông Hàn. Cầu Trần Thị Lý với kiến trúc dây văng một trụ tháp hình chữ I nghiêng là biểu tượng đặc trưng mới cho thành phố Đà Nẵng… Đặc biệt, cầu Rồng được xem là biểu tượng cho một giai đoạn phát triển mới, động lực cho khí thế cất cánh mới của thành phố. Công trình còn có vai trò quan trọng trong chiến lược hoàn thiện hạ tầng đô thị Đà Nẵng, kết nối sân bay quốc tế và đại lộ thương mại sầm uất Nguyễn Văn Linh với vùng du lịch ven biển, mở rộng liên kết với các tuyến trọng điểm du lịch Sơn Trà, Hội An, nhờ đó tạo ra lợi thế hỗ trợ để khai thác tối ưu tiềm năng du lịch của thành phố Đà Nẵng. Chính các cây cầu độc đáo, mới lạ cả về mặt công nghệ lẫn thẩm mỹ đã đưa những khu nhà ổ chuột tồn tại hàng bao đời dọc sông Hàn vĩnh viễn lùi vào quá khứ. Cũng chính các cây cầu đã thức tỉnh và góp phần làm nên diện mạo mới cho thành phố và góp phần tạo nên một sức bật mới cho Đà Nẵng.
Đồng chí Văn Hữu Chiến, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: Cùng với những kết quả Đà Nẵng đạt được thời gian qua trên lĩnh vực kinh tế, các kết quả về an sinh xã hội, đời sống của cán bộ và các tầng lớp nhân dân được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định cũng là một điểm nổi bật. Nguyên nhân sâu xa của những thành quả đó là do các chủ trương của Đảng bộ và chính quyền thành phố nhận được sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân. Yếu tố “lòng dân” trong những năm qua là nhân tố quyết định để những chủ trương của thành phố trở thành hiện thực, dù có gặp khó khăn, trở ngại đến đâu. Đà Nẵng có đủ thế và lực để hoàn thành mục tiêu “Thành phố đáng sống”, xây dựng thành phố ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung vào năm hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội gồm: Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại; phát triển công nghệ công nghiệp cao, công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao”. Một “Thành phố đáng sống”, điều đó sẽ không khó nếu biết phát huy hơn nữa những gì đã làm được, đó là những chủ trương mang đậm tính nhân văn của thành phố và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng, điều mà đã thể hiện rất rõ nét, có thể nói là tạo ra “thương hiệu” cho Đà Nẵng trong những năm qua.
Sau 10 năm được công nhận đô thị loại 1, diện mạo đô thị ở Đà Nẵng thay đổi nhanh chóng và rõ rệt đến mức có thể xem là kỳ tích. Đường như Đà Nẵng có cơ duyên hội đủ ba yếu tố cơ bản trong phát triển “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” và Đà Nẵng đã huy động tổng lực cả ba yếu tố này để làm động lực cho phát triển. Có thể nói ở Đà Nẵng, Đảng nói dân tin, Mặt trận và đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ... không chỉ là một khẩu hiệu thể hiện quyết tâm chính trị mà đã trở thành một nguồn lực thực tế, đó cũng chính là điều cốt lõi nhất để tạo nên sức mạnh đồng thuận của người Đà Nẵng. Đồng thuận để làm nên những điều tự hào của Đà Nẵng ngày nay - thành phố trẻ bên dòng sông Hàn.
Văn Sơn