Thảm hoạ tái diễn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc

Những biện pháp cứu thị trường của chính phủ Trung Quốc chính thức đưa Chỉ số Thượng Hải trở lại trên mốc 4.000 điểm vào 21/7. Tuy nhiên, những thành quả đó hiện đang bị lung lay khi một tuần sau, Chỉ số Thượng Hải đã có phiên giảm điểm mạnh nhất trong 8 năm.

Nhà đầu tư theo dõi các chỉ số chứng khoán tại Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, miền đông Trung Quốc ngày 27/7. Ảnh: AFP/ TTXVN


Ngày 27/7, với việc hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, Chỉ số Thượng Hải lần lượt để mất cả 3 mốc quan trọng là 4.000 điểm, 3.900 điểm và 3.800 điểm, lúc thấp nhất chỉ còn 3.720 điểm và đóng cửa ở mức 3.725 điểm, giảm 8,5% so với phiên trước đó. Đây là phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ ngày 27/2/2007. Giá trị giao dịch cũng bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn 721,3 tỉ nhân dân tệ, nhưng đáng chú ý hơn là việc một lượng lớn trong số đó được rút ra rất nhanh vào khoảng 1 tiếng đồng hồ trước khi thị trường đóng cửa. Bước sang ngày 28, biến động vẫn tương đối lớn khi mở cửa Chỉ số Thượng Hải mất thêm 152 điểm và vào lúc 9 giờ 55 phút chỉ còn 3.539 điểm, gần về mức của 3 tuần trước.


Điều đáng quan tâm là diễn biến này xảy ra ngay sau khi Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc lên tiếng phủ nhận tin đồn rằng lực lượng cứu thị trường đã rút đi. Cơ quan này cũng nhấn mạnh các công ty chứng khoán, tài chính của Trung Quốc sẽ chọn thời cơ tăng lượng cổ phiếu nắm giữ, tiếp tục phát huy chức năng ổn định thị trường.


Theo một số chuyên gia, bên cạnh nhân tố bên ngoài bất lợi, hiện nay, chứng khoán Trung Quốc đang phải đối mặt với vấn đề đáng lưu tâm, đó là thị trường thiếu niềm tin. Tại ngưỡng 4.000 điểm, áp lực chốt lời trong ngắn hạn lớn, nhưng rõ ràng mức độ sụt giảm như hôm 27 đã vượt quá dự đoán của thị trường. Đối với một thị trường mà nhà đầu tư cá nhân chiếm số đông như Trung Quốc, một khi thị trường giảm mạnh, tình trạng bán tháo rất dễ xảy ra. Việc 1.800 cổ phiếu giảm sàn hôm 27 đã minh chứng một phần nào cho khả năng đó.


Thị trường biến động mạnh đã trở thành thử thách lớn đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân ở Trung Quốc. Tâm lý quan sát đang tồn tại khiến giá trị giao dịch giảm xuống. Hiện nay, câu hỏi đặt ra là nhằm ngăn chặn thị trường giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước khi các biện pháp cứu thị trường được đưa ra, lực lượng cứu thị trường có tiếp tục ra tay hay không sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã lên tiếng hối thúc Trung Quốc rút chính sách cứu thị trường?

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hong Kong)
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc kỷ lục
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc kỷ lục

Bất chấp các nỗ lực của chính phủ, ngày 27/7 sàn chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) chứng kiến sự giảm điểm mạnh nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN