Thái Nguyên phát triển y tế chuyên sâu

Thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế chất lượng cao, tỉnh Thái Nguyên đã chính thức thông qua đề án phát triển y tế chuyên sâu, từng bước đưa Thái Nguyên trở thành trung tâm y tế vùng trung du miền núi phía Bắc.


Cán bộ y tế của Trạm Y tế xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, khám bệnh cho người dân địa phương.

 

Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, tại 9 đơn vị trên địa bàn Thái Nguyễn sẽ hình thành và phát triển mạng lưới y tế chuyên sâu đảm bảo thực hiện được một số kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, sản khoa, nhi khoa, sơ sinh, ung bướu, chấn thương, chỉnh hình, mắt... Trước mắt trong giai đoạn 2013 - 2015, Thái Nguyên phấn đấu đào tạo 15 kíp thực hiện các kỹ thuật y tế chuyên sâu ở các lĩnh vực, 80% các kỹ thuật sau khi tiếp nhận, chuyển giao được các đơn vị tự thực hiện tốt và duy trì bền vững, giảm 30% tỷ lệ bệnh nhân chuyển từ địa phương lên các bệnh viện Hà Nội và các trung tâm lớn của cả nước, phân lập được một số chủng virút đang lưu hành, xây dựng một số bệnh viện lớn thành bệnh viện vệ tinh của Trung ương...


Để thực hiện các mục tiêu trên, đối với Bệnh viện đa khoa Trung ương, Thái Nguyên tiếp tục duy trì là bệnh viên đa khoa hạng I, quy mô 1.000 giường, phát triển các kỹ thuật điều trị về tim mạch, ung bướu, bệnh máu. Trong giai đoạn từ nay đến 2015, Bệnh viện tiếp tục hoàn thiện quy trình phẫu thuật và điều trị sau phẫu thuật đối với các bệnh tim mắc phải và bẩm sinh ở mức độ cao hơn hiện nay cùng các bệnh ung thư, các bệnh về máu; nâng cấp các phẫu thuật và kỹ thuật phẫu thuật lồng ngực, sọ não, chấn thương. Giai đoạn sau năm 2015, Bệnh viên đa khoa Trung ương Thái Nguyên phát triển trung tâm can thiệp tim mạch, trung tâm cấp cứu sơ sinh, phát triển hệ thống Labo hiện đại, ứng dụng kỹ thuật tế bào gốc, ghép thận.


Hiện hệ thống bệnh viện của tỉnh Thái Nguyên có trên 3.300 giường bệnh, đạt tỷ lệ gần 30 giường bệnh/10.000 dân; tổng số bác sĩ trên địa bàn là 1.241 người, đạt tỷ lệ 10,9 bác sĩ/10.000 dân.

Cùng với Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A Thái Nguyên được đầu tư phát triển chuyên sâu về sản khoa và nhi khoa, để trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản Trung ương tổ chức triển khai một số kỹ thuật chuyên sâu như: thụ tinh trong ống nghiệm, phẫu thuật nội soi cấp độ cao, xét nghiệm sàng lọc trước sinh trên hệ thống xét nghiệm miễn dịch (Immulite), nâng cấp kỹ thuật siêu âm hình thái học thai nhi, kỹ thuật bơm chất căng bề mặt điều trị suy hô hấp trẻ sơ sinh non tháng... Đối với Bệnh viện C Thái Nguyên, tỉnh chủ trương phát triển chuyên sâu về ung bướu và chấn thương chỉnh hình để trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện K Trung ương, trực tiếp giải quyết tốt các kỹ thuật về chấn thương chỉnh hình tại các chi bằng các phương pháp hiện đại, chấn thương sọ não, phẫu thuật cột sống, phẫu thuật khớp, chẩn đoán ung thư, điều trị ung thư bằng phẫu thuật vùng bụng, sinh dục, tiết niệu, xạ trị xạ phẫu bằng dao Gamma các khối u sọ não...


Bên cạnh đó, Thái Nguyên cũng tiến hành nâng cấp, phát triển Bệnh viện Gang thép thành bệnh viện chuyên sâu bệnh nội tiết; Bệnh viện lao và bệnh phổi thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện lao và bệnh viên phổi Trung ương; Trung tâm y tế dự phòng tỉnh phát triển phòng an toàn sinh học từ cấp độ II lên cấp độ III, mở rộng các chỉ tiêu đạt tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (tiêu chuẩn kỹ thuật hóa sinh và vi sinh)...


Đáp ứng yêu cầu về y tế chuyên sâu, tỉnh thực hiện các giải pháp về tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng chuyên môn, phát triển nguồn nhân lực, có chính sách về thu hút đãi ngộ riêng, nhất là nguồn nhân lực trình độ cao, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trong đào tạo chuyện sâu, hỗ trợ kinh phí cho đào tạo sau đại học, đào tạo các kíp kỹ thuật chuyên sây với mức kinh phí 200 triệu đồng/kíp. Đồng thời tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư về nâng cấp bệnh viện tuyến tỉnh và huyện đã được phê duyệt, cung cấp các thiết bị y tế cho lĩnh vực chuyên sâu cho các đơn vị tham gia đề án phát triển y tế chuyên sâu; đẩy mạnh xã hội hóa công tác y tế, khuyến khích liên doanh, liên kết mở rộng các loại hình dịch vụ y tế, đặc biệt là dịch vụ y tế chuyên sâu... Thái Nguyên dự kiến sử dụng hơn 160 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương cho phát triển y tế chuyên sâu.


Hoàng Thảo Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN