Chính phủ lâm thời Thái Lan ngày 21/1 đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Bangkok và một số khu vực lân cận để đối phó với các cuộc biểu tình chống chính phủ. Sắc lệnh có hiệu trong 60 ngày từ ngày 22/1.
Sắc lệnh được ban bố để đối phó với biểu tình bạo lực. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo Phó Thủ tướng Chalerm Yoobamrung, chính phủ buộc phải đưa ra sắc lệnh tình trạng khẩn cấp do biểu tình ngày càng bạo lực khi đã có bốn người thiệt mạng và 267 người bị thương. Ngoài thủ đô Bangkok, sắc lệnh còn có hiệu lực ở tỉnh Nonthaburi, tỉnh Patumthani và một phần tỉnh Samut Prakarn. Sắc lệnh khẩn cấp thay thế cho Đạo luật An ninh Nội địa có quy định lỏng lẻo hơn, được áp đặt trong vài tháng qua.
Ông Chalerm đã được chỉ định là giám đốc Trung tâm giải quyết tình hình khẩn cấp, chịu trách nhiệm thi hành sắc lệnh. Ông Chalerm cho biết sắc lệnh có thể được dùng để cấm người biểu tình tuần hành. Tuy nhiên, chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Paradorn Pattanatabut khẳng định sẽ chính phủ không dùng vũ lực, không có ý định giải tán người biểu tình và cũng chưa tuyên bố lệnh giới nghiêm. Hiện Thái Lan đã huy động đủ lực lượng cảnh sát và binh sĩ để đối phó với người biểu tình.
Sắc lệnh được ban bố sau khi chiến dịch “đóng cửa Bangkok” đã bước sang tuần thứ hai. Thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban quyết tăng cường chiến dịch nhằm làm tê liệt hoàn toàn các hoạt động ở thủ đô. Ít nhất 20 tuyến phố lớn ở thủ đô bị phong trào biểu tình chống chính phủ đóng hoàn toàn hoặc từng phần. Người biểu tình đã bao vây xưởng in phiếu bầu cử và hủy một số phiếu bầu đã in xong. Họ còn đóng cửa trụ sở ngân hàng tiết kiệm của chính phủ hòng gây khó khăn cho việc giải ngân hỗ trợ người nông dân trong chương trình trợ giá gạo.
Theo một số nhà phân tích, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ sớm kết thúc bởi cả hai phía đều không chịu nhượng bộ.
Thùy Dương