Tết Nguyên đán có khả năng rét đậm

Ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, nhiều khả năng các tỉnh miền Bắc sẽ có một đợt rét đậm diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ.


Đề phòng băng giá, sương muối


Hiện miền Bắc đang được hưởng tiết trời ấm áp sau đợt rét đậm kéo dài trong nửa cuối tháng 12/2013. Tuy nhiên, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tiết trời ấm áp như vậy không kéo dài. Trong tháng 1, các tỉnh phía Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh gây gió mạnh trên Biển Đông. Các đợt không khí lạnh này sẽ tập trung vào 20 ngày cuối tháng này. Các tỉnh Bắc Bộ có khả năng phải tiếp tục hứng chịu các đợt rét đậm, rét hại (nhiệt độ trung bình ngày tại các tỉnh đồng bằng xuống dưới 15oC) hoặc gần ngưỡng rét đậm. Riêng các tỉnh vùng núi phía Bắc đề phòng hiện tượng băng giá và sương muối trong tháng này.

Băng tuyết phủ trắng đèo Hoàng Liên Sơn vào ngày 17/12/2013.


Như vậy, nhiều khả năng miền Bắc sẽ đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ trong giá rét. Tuy nhiên, tại thời điểm này, chúng tôi chưa thể dự báo chính xác thời tiết cho 3 ngày Tết. Có thể, rét đậm sẽ xuất hiện trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhưng vẫn trong khoảng thời gian nghỉ Tết 9 ngày theo quy định của Nhà nước. Trong 9 ngày đó, miền Bắc sẽ có khoảng từ 4- 5 ngày rét đậm”, ông Lê Thanh Hải nhận định.


Về nền nhiệt độ trung bình trong tháng 1/2014, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết: Ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ tháng này ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1oC. Cụ thể, nhiệt độ tại Sơn La ở mức 13,5 - 14,5oC (các năm trước là 14,6oC); Hà Nội từ 15,5 - 16,5oC (các năm trước 16,4); Hải Phòng từ 15,5 đến 16,5oC (các năm trước là 16,3oC); Thanh Hóa 16 - 17oC (các năm trước là 17oC)… Nhiệt độ trung bình ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ tương đương các năm trước.


Ít mưa nhưng không thiếu nước


Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết thêm, trong tháng 1, lượng mưa tại các tỉnh phía Bắc thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20- 40%. Các tỉnh Trung Bộ cũng rơi vào tình trạng tương tự, khi lượng mưa trong tháng này thấp hơn cùng kỳ nhiều năm từ 20- 50%. Tình trạng ít mưa sẽ kéo dài đến hết tháng 2; sang đến tháng 3, tháng 4, lượng mưa tại một số khu vực mới được cải thiện. Đây cũng là thời điểm Tây Nguyên và Nam Bộ đang trong mùa khô nên ít mưa. Tổng lượng mưa tháng tại khu vực này phổ biến ở mức dưới 15 mm. Tuy nhiên, cũng có khả năng địa bàn này sẽ xuất hiện mưa trái mùa.


Trước dự báo các tỉnh miền Bắc và miền Trung ít mưa, ông Lê Thanh Hải vẫn khẳng định: “Các địa phương ở các khu vực này sẽ không lo thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp. Thực tế, trong những tháng cuối năm 2013, liên tục xảy ra mưa lớn nên hầu hết các hồ chứa từ lớn đến nhỏ đã tích đủ nước. Năm ngoái, Trung Bộ không có lũ nên mới xảy ra tình trạng hạn hán gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp. Năm nay, nếu có hạn hán thì chỉ xảy ra cục bộ tại một số tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng; chứ khó xảy ra trên diện rộng”.


Ông Hải cho biết thêm, diễn biến thời tiết tháng cuối cùng của năm 2013 và những ngày đầu năm 2014 có những dấu hiệu bất thường. Cụ thể, trong tháng 12/2013, rét đậm, rét hại kéo dài, băng tuyết xuất hiện bất thường trên diện rộng tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Chưa hết, ngay từ đầu vụ đông xuân 2013 - 2014, đã có mưa lớn trên diện rộng - hiện tượng chưa từng gặp trong lịch sử - khiến lũ trên sông Đà chảy vào hồ thủy điện Sơn La đạt mức 5.000 m3/giây. Những hiện tượng này báo hiệu tình hình thời tiết năm 2014 sẽ có những diễn biến phức tạp, khó đoán định.

Theo dự báo, lượng mưa trong tháng này tại Hà Nội ở mức 5 - 15 mm (các năm trước là 19 mm), Sơn La 5 - 15 mm (các năm trước là 19 mm), Hải Phòng và Thanh Hóa đều ở mức 10 - 20 mm (các năm trước là 25 mm), Huế từ 70 - 120 mm (các năm trước 161 mm)…


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN