Hoạt động hàng không giữa Nhật Bản và Trung Quốc tiếp tục giảm
Hãng Kyodo dẫn thông báo của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết sáng 5/10, bốn tàu hải giám Trung Quốc lại đi vào vùng biển tiếp giáp khu vực tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, tàu Trung Quốc có mặt tại khu vực này.
Theo JCG, bốn tàu hải giám đã đi vào và lưu lại khu vực tiếp giáp lãnh hải gần đảo Kuba, trong chuỗi đảo của Senkaku. Khi tàu tuần duyên Nhật Bản cảnh báo “các tàu trên không được đi vào vùng biển Nhật Bản”, một trong các tàu hải giám của Trung Quốc đã phản hồi rằng “quần đảo Điếu Ngư là lãnh thổ lâu đời của Trung Quốc và tàu này đang thi hành nhiệm vụ theo thẩm quyền của chính quyền Bắc Kinh”.
Trong một diễn biến khác cùng ngày, Hãng hàng không Nhật Bản (Japan Airline - JAL) cho biết sẽ kéo dài thời gian cắt giảm số chuyến bay giữa Trung Quốc và Nhật Bản đến ngày 17/11, do JAL dự đoán số lượng hành khách sử dụng các tuyến đường bay này không tăng trong thời gian tới.
Trước đó, JAL thông báo từ ngày 10 - 27/10 giảm số chuyến bay trên ba hành trình gồm từ Sân bay Narita của Tôkiô đến Bắc Kinh, Narita - Thượng Hải và Cansai - Phố Đông. Theo số liệu JAL công bố, khoảng 15.500 vé đặt trước cho các chuyến bay giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong vòng ba tháng, tính đến tháng 11 tới, đã bị hủy. Hãng hàng không All Nippon Airways cũng xác nhận gần 40.000 vé đặt trước trong thời gian tương tự đã bị hủy.
Cũng trong ngày 5/10, tờ Nikkei đưa tin một số công ty bảo hiểm lớn của Nhật Bản đã ngừng bán bảo hiểm cho các công ty hoạt động tại Trung Quốc, sau khi nhiều công ty làm ăn tại Trung Quốc bị thiệt hại do các cuộc biểu tình phản đối Nhật Bản thời gian qua.
Hai công ty bảo hiểm hàng đầu của Nhật Bản gồm Công ty bảo hiểm hàng hải Tokyo Marine và Công ty bảo hiểm hỏa hoạn Nichido Fire Insurance thường bán bảo hiểm và bồi thường thiệt hại trong trường hợp đối tượng mua bảo hiểm bị ảnh hưởng do bạo động, đình công. Tuy nhiên, kể từ khi nổ ra các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc, hai công ty trên đã ngừng nhận đơn mua bảo hiểm mới cũng như các yêu cầu nâng mức phí bảo hiểm. Theo kế hoạch, Tokyo Marine và Nichido Fire Insurance có thể sẽ ngừng nhận đơn xin mua bảo hiểm mới cho đến đầu năm sau.
Báo Nikkei nhận định động thái trên có thể ảnh hưởng đến đầu tư vào Trung Quốc. Theo Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Nhật Bản Yasuyoshi Karasawa, tổng số tiền bảo hiểm mà các công ty đề nghị bồi thường thiệt hại liên quan đến biểu tình chống Nhật Bản có thể lến tới 10 tỷ yên (126 triệu USD). Tính đến cuối tháng 8 vừa qua, có 14.000 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Trung Quốc.
L.H - TTG