Già Ay Lê, dân tộc Ê Đê, thôn 6, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk đội cồng chiêng của thôn đã nhiều lần giành được giải thưởng ở các cuộc thi từ cấp huyện, cấp tỉnh cho đến khu vực. “Trước đây tôi cứ sợ sẽ không còn ai đánh cồng chiêng nữa khi đời sống, sản xuất, phong tục, tập quán đều thay đổi. Nhưng nhờ sự vào cuộc của Nhà nước, tổ chức nhiều sự kiện, phục dựng nhiều lễ hội của dân tộc ngay tại buôn làng, lớp trẻ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến bản sắc văn hoá dân tộc mình. Còn lớp già như chúng tôi rất vui mừng được truyền dạy cho con cháu những gì mình biết được”, già Ay Lê tâm sự.
Ở làng Mô Banh 1, xã Đắk Na, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum - ngôi làng của đồng bào Xơ Đăng, dân làng tập trung về nhà rông để tổ chức buổi sinh hoạt cộng đồng. Ở giữa sân nhà rông, chị em nhịp nhàng trong vòng xoang. Người già, thanh niên vừa đánh trống, đánh chiêng rộn rã. Những buổi sinh hoạt này là cơ hội để truyền dạy cồng chiêng, những bài hát dân ca. Người già chỉ dạy nhiệt tình tỉ mỉ, lớp trẻ say sưa lắng nghe. “Làng tôi có đội văn nghệ gồm hơn 20 thành viên có thể diễn tấu cồng chiêng, ca hát và múa xoang. Còn lại mọi người trong làng hầu như ai cũng biết đánh cồng chiêng. Người Xê Đăng vẫn giữ được rất nhiều lễ thức trong năm như lễ cúng máng nước, cầu mong cho cả làng bước vào một năm thịnh vượng. Hay lễ cúng lúa mới. Những lễ hội như vậy mà thiếu cồng chiêng là không được”, nghệ nhân Y Năng cho biết.
Cồng chiêng ngân vang trong các lễ hội của đồng bào. |
Trong 10 năm qua, các địa phương có di sản cồng chiêng đã tạo dựng được một đội ngũ nghệ nhân trẻ kế cận để đảm nhận sự trao truyền kinh nghiệm của thế hệ đi trước và cơ bản đã hạn chế được nạn “chảy máu cồng chiêng”. Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của các dòng văn hóa tín ngưỡng và sự biến đổi của xã hội hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi môi trường của văn hóa truyền thống của dân tộc bản địa.
Theo già Ay Lê, ở địa phương, cũng có nhiều người từ bỏ tín ngưỡng truyền thống trong đó có thực hành đánh cồng chiêng và các sinh hoạt gắn với văn hóa cồng chiêng, cồng chiêng không dùng nữa bị đem bán đi.
Văn hóa cồng chiêng được nhiều du khách yêu thích. |
Ông Trần Vĩnh, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Kon Tum lo lắng, nguy cơ mất “không gian” đang hiện hữu. Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là di sản do sự kết hợp của 2 yếu tố “không gian” và “nghệ thuật”. Nếu chỉ trình diễn cồng chiêng thì chưa đủ điều kiện tạo thành di sản độc đáo này. Song cuộc sống hiện đại với tác động của nền kinh tế thị trường, không gian văn hóa cồng chiêng với những gian nhà dài, nương rẫy, nhà mồ, không gian rừng... đang bị mất dần trong đời sống cộng đồng các dân tộc bản địa.
“Muốn khôi phục và khơi dậy không gian văn hóa cồng chiêng, trước mắt phải đáp ứng nhu cầu tâm linh, giữ lại tín ngưỡng cộng đồng và chọn lựa, duy trì liên tục hằng năm các lễ hội gắn liền với cồng chiêng, ông Trần Vĩnh đề xuất.