Tăng tự chủ cho chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương có vị trí quan trọng trong các quy định của Hiến pháp. Trong số các ý kiến đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng quyền tự chủ cho chính quyền địa phương.


Hai phương án về chế định chính quyền địa phương


Theo GS.TS Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Trưởng Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhân dân, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xây dựng hai phương án về chế định chính quyền địa phương. Theo đó, phương án một là giữ quy định về đơn vị hành chính và quy định khái quát về việc tổ chức chính quyền địa phương để tạo cơ sở hiến định cho việc đổi mới căn bản mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Theo phương án này, Chương IX của Dự thảo Hiến pháp gồm 2 điều, một điều quy định về đơn vị hành chính, một điều quy định về việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương do luật định. Phương án 2 giữ quy định về các đơn vị hành chính như Điều 118 của Hiến pháp hiện hành, mô hình chính quyền địa phương được tổ chức ở tất cả các đơn vị hành chính.

Việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


Riêng về tổ chức chính quyền địa phương, có ý kiến khẳng định, chính quyền địa phương luôn gắn với đơn vị hành chính, nơi nào có đơn vị hành chính, nơi đó phải có chính quyền địa phương. Chính quyền địa phương là một thể thống nhất của hai thiết chế là cơ quan đại diện (HĐND) và cơ quan hành chính (UBND). Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, không thể đồng nhất giữa chính quyền địa phương và đơn vị hành chính. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, có đơn vị hành chính sẽ tổ chức chính quyền đầy đủ, gồm cả HĐND và UBND, nhưng cũng có đơn vị hàng chính chỉ có cơ quan hành chính.


GS.TS Phan Trung Lý cho biết: “Việc tìm phương án quy định về chính quyền địa phương trong Hiến pháp trình Quốc hội phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử ở Việt Nam hiện nay là vấn đề rất khó cả về lý luận và thực tiễn. Sự lựa chọn, tìm tòi này lại diễn ra trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường và chưa có kết quả tổng kết”.


Đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm


Theo ông Lý, dù chọn phương án nào thì trong Dự thảo Hiến pháp phải xác định nguyên tắc phân cấp, phân quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương sao cho vừa đảm bảo sự quản lý thống nhất của Trung ương, vừa đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Hiến pháp phải khẳng định nguyên tắc phân cấp về thẩm quyền gắn liền với phân cấp về ngân sách và quản lý nhân sự. Bên cạnh đó, Hiến pháp cần quy định nguyên tắc làm cơ sở cho luật định những công việc thuộc thẩm quyền của Trung ương, do Trung ương đảm nhận như: quốc phòng, an ninh, ngoại giao…; những công việc thuộc thẩm quyền của địa phương và những công việc thuộc thẩm quyền của cả hai cấp; có cơ chế kiểm soát rõ ràng, đảm bảo một công việc chỉ do một cơ quan hoặc cấp chính quyền chịu trách nhiệm chính.


Phân tích một cách cụ thể hơn, GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Nhà nước Trung ương nên phân quyền và phân ngân sách trọn gói để chính quyền địa phương chủ động trong việc tổ chức hoạt động. Chính quyền cơ sở nên ở cấp thôn vì đây là nơi trực tiếp giải quyết các quyền lợi của người dân. Theo đó, làng xã, thị trấn phải trực tiếp giải quyết các vấn đề có liên quan đến đời sống của người dân mà không nên thông qua bất kỳ một cấp trung gian nào.


Trong khi đó, ông Trần Tiến Dũng, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đã hoàn chỉnh báo cáo đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi Chương IX Chính quyền địa trong Dự thảo Hiến pháp, trong đó, có điểm đáng chú ý là tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương. Giải thích kỹ hơn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự- Hành chính (Bộ Tư pháp), cho biết, Chính phủ đề xuất tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho chính quyền địa phương, nhưng chính quyền địa phương vẫn phải chịu sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền Trung ương. Khi được giao quyền tự chủ thì chính quyền địa phương cũng được quyền tự chủ về ngân sách…


Việc tổ chức chính quyền địa phương hiện còn nhiều phương án khác nhau. Đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương là vấn đề hệ trọng, liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị và mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, nên tổ chức chính quyền địa phương theo hướng mở nhất, để có thêm thời gian nghiên cứu, cũng như đúc rút kinh nghiệm từ việc thí điểm chính quyền đô thị.


Huyền Tím

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN