Việc cột tháp truyền hình tỉnh Nam Định bị đổ cuối năm 2012, hay cột phát sóng tại Quảng Bình “gục ngã” trong cơn bão số 10 vừa qua chính là những cảnh báo cụ thể về tính bền vững và khả năng chống chọi với thiên tai của các công trình xây dựng.
Theo ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra toàn diện các công trình xây dựng dạng tháp trên toàn quốc.
Qua đợt mưa bão vừa qua, vấn đề chất lượng và sự an toàn của các công trình kết cấu dạng tháp như kiểu tháp thu phát sóng truyền hình, phát thanh, tín hiệu truyền thông, cột điện cần phải được xem xét một cách nghiêm túc. Những kết cấu dạng tháp càng cao (hơn 100 m) lại được xây dựng trong khu dân cư, khi xảy ra sự cố, bị đổ sập sẽ gây tai họa càng nặng nề.
Theo ông Hùng, hiện các công trình dạng tháp đang có những nghi vấn về an toàn kết cấu. Tại Nam Định, tháp sập do nguyên nhân thiết kế tải trọng gió của tháp thấp hơn so với tải trọng gió tự nhiên. Còn trường hợp tại Quảng Bình đang phải kiểm tra, điều tra để phát hiện chính xác nguyên nhân, nhưng rõ ràng phải có vấn đề thì tháp mới đổ trong bão.
“Khi sự cố xảy ra, chúng ta có thể xem xét, tìm hiểu trên nhiều khía cạnh như: Thiết kế đã đúng với tải trọng gió tự nhiên chưa; chất lượng thi công có đáp ứng yêu cầu thiết kế không; trong quá trình vận hành có chỉnh lại tải trọng cao lên không... Thậm chí, nếu việc bảo hành, bảo trì không thường xuyên, không đúng quy trình, kể cả việc đơn giản nhất là không siết lại bulông cho chặt cũng có thể dẫn đến xộc xệch, gây đổ tháp”, ông Hùng đánh giá. Qua các sự cố tháp truyền hình vừa qua, ông Hùng cũng cho rằng, cần xem xét lại quy hoạch xây dựng khi quyết định cho hình thành những loại tháp này trong khu dân cư.
Sau khi tháp truyền hình Nam Định đổ, Bộ Xây dựng đã có công văn yêu cầu Bộ Thông tin truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các tỉnh có báo cáo về tình trạng của các danh mục có kết cấu dạng tháp. Tuy nhiên, hiện các thông tin, số liệu báo cáo về rất chung chung, chưa đầy đủ. Hầu hết các đơn vị đều khẳng định những công trình do mình quản lý hiện tại vẫn đang đứng vững. Trong khi đó, chất lượng công trình thế nào thì chỉ có thể thử thách qua gió bão thực tế, như trường hợp tại Quảng Bình cho thấy cột tháp này không đủ sức chống chọi trước bão lớn. Bởi vậy, trong thời gian sớm nhất, Bộ Xây dựng yêu cầu kiểm tra, kiểm định chi tiết lại tất cả các kết cấu dạng tháp, trước hết là thực hiện với các công trình có độ cao từ 100 m trở lên. Theo đó, sẽ kiểm tra lại các tính toán của thiết kế, kiểm tra lại các mối nối... để khẳng định lại độ an toàn.
Đối với việc kiểm tra, các số liệu điều kiện tự nhiên cũng phải được chú ý đến. Trước đây, khi thiết kế công trình đều đã đưa ra các tính toán phù hợp với điều kiện tự nhiên, thông số về khí tượng thủy văn và động đất như: cấp gió, áp lực gió, động đất, ngập lụt, tần suất lũ, liều lượng lũ... Đây là những thông số rất quan trọng trong thiết kế thi công, tuy nhiên, với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay, nhiều khả năng các thông số này đã thay đổi. Ví dụ như trước đây số liệu tính toán tốc độ gió tại Quảng Bình chỉ khoảng 150 km/giờ thì bây giờ đã vọt tăng lên 190 km/giờ. Ngay như tại Sông Tranh, dự báo ban đầu về động đất chỉ là cấp 6 nhưng đến nay có thể phải lên tới cấp 7. Do sự biến đổi của khí hậu nên có thể tất cả thông số đầu vào đều bị thay đổi hết nên khi thiết kế công trình phải rà soát, khảo sát lại theo thực tế biến đổi của điều kiện tự nhiên.
“Việc kiểm tra kiểm định lại rất cần thiết và sẽ từ khâu thẩm tra lại thiết kế, tính toán lại kết cấu, kiểm tra lại công trình đến công tác bảo trì, kiểm tra tải trọng đặt trên tháp... Các đơn vị tư vấn độc lập tiến hành kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước chỉ đạo và chủ đầu tư tổ chức thực hiện. Nếu triển khai trên toàn quốc thì tích cực cũng phải mất khoảng nửa năm nhưng vẫn rất cần phải làm ngay để phòng tránh cho mùa mưa bão năm 2014”, ông Hùng cho biết.
“Hiện vẫn chưa thống kê đầy đủ liệu bao nhiêu phần trăm các công trình kết cấu dạng tháp trên 100 m có thiết kế an toàn đối với gió cấp 12, 13, trong khi đó cả nước có tới hàng trăm công trình loại này”. Ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước |
Thu Hằng