Sẵn sàng phòng chống dịch bệnh

Trước nguy cơ “dịch chồng dịch”, ngành y tế các địa phương đang ra sức đối phó và có những phương án phòng chống dịch hiệu quả.

 

Gia tăng dịch bệnh


Theo Bộ Y tế, trong 8 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận 4 trường hợp mắc cúm A/H5N1, trong đó có 2 người bệnh tử vong; bệnh tay chân miệng (TCM) có 80.176 trường hợp mắc, trong đó có 41 người bệnh tử vong; bệnh sốt xuất huyết (SXH) có 43.220 trường hợp mắc, trong đó có 35 người bệnh tử vong. Các bệnh dịch này đang tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ tăng cao trong các tháng 9, 10.


 

Từ đầu tháng 9, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng gia tăng bất thường.

 

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết sau một thời gian dịch TCM tại TP Hồ Chí Minh giảm, đến thời điểm này dịch lại có dấu hiệu tăng khá nhanh. Từ đầu tháng 9 đến nay, ghi nhận tại ba bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, số ca bệnh đã vượt ngưỡng 500 ca/tuần. Theo số liệu ghi nhận của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, trong tháng 8 vừa qua, toàn thành phố ghi nhận có 2.258 ca mắc TCM, tăng gấp đôi so với thời điểm tháng 7 (chỉ 1.212 ca). Như vậy, cộng từ đầu năm cho đến nay, số ca mắc TCM trên toàn thành phố đã lên đến 7.804 ca, trong đó có 6 ca tử vong. Còn dịch SXH trong tháng 8 toàn thành phố đã ghi nhận 1.367 ca, tăng 17,4% so với tháng 7. “Bên cạnh bệnh TCM thì SXH cũng đang ở vào giai đoạn dịch. Mặc dù số ca mắc SXH trong tháng qua có giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng không nên lơ là trong công tác phòng chống dịch. Do đó, ngành y tế thành phố phải chủ động và có kế hoạch phòng chống 2 loại dịch bệnh này” - bác sĩ Thọ cho biết.


Trong khi đó, theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 1.645 trường hợp mắc TCM, giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong 4 tuần gần đây, bệnh TCM có chiều hướng gia tăng. Chỉ trong 4 tuần, toàn tỉnh có 475 trường hợp mắc bệnh, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

 

Chủ động đối phó


Theo bác sĩ Thọ, bệnh TCM đang có diễn biến phức tạp, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời thì dịch rất dễ bùng phát trong cộng đồng, đặc biệt do đang là mùa tựu trường nên đây sẽ là điều kiện thuận lợi để bệnh bùng phát. “Từ nay đến cuối năm, nếu như chúng ta không triển khai chống dịch hiệu quả thì bệnh TCM có nhiều diễn biến khó lường. Hiện nay, bên cạnh các ca bệnh được đưa đến điều trị tại các bệnh viện thì cũng còn rất nhiều ca bệnh khám ngoại trú tại các phòng khám nhỏ nên khó điều tra được nguồn dịch tễ. Chính vì vậy, y tế phường, xã cũng phải đặc biệt chú ý đến những ca bệnh ngoại trú để dễ dàng phát hiện những ổ dịch và đưa ra kế hoạch dập dịch tốt hơn” - bác sĩ Thọ nhấn mạnh.


Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị y tế tuyến quận, huyện, phường, xã phải đặc biệt quan tâm đến công tác kiểm soát phòng chống dịch bệnh tại trường học. Tất cả các trường dân lập, công lập, nhà trẻ cần phải theo dõi chặt chẽ, giám sát và hướng dẫn để khống chế, không để cho dịch bệnh xuất hiện và lây lan. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các phường, xã phải lưu ý đến SXH cho dù SXH có giảm nhưng nếu lơ là thì dịch bệnh này cũng rất khó lường. Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cũng cảnh báo: Hiện thành phố có nhiều công trình đang xây dựng và bỏ hoang, đây là nơi tồn đọng nước nên rất dễ cho các loại loăng quăng phát triển và sẽ làm phát sinh các dịch nguy hiểm. Do đó, các phường, xã phải chủ động phun xịt hóa chất tại những nơi này.


Trong khi hai loại dịch bệnh TCM và SXH đang gia tăng thì cúm A/H5N1 ở người tại các tỉnh cũng đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, ngành y tế TP.HCM cũng đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác chủ động phòng chống khi dịch xuất hiện.


Sở Y tế tỉnh Bình Dương cũng cho biết: Để ngăn chặn dịch TCM và SXH, Sở Y tế đã tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt phối hợp với từng tổ dân phố tuyên truyền cho các trường học, nhóm nhà trẻ, khu nhà trọ... trong việc phòng chống hai loại dịch bệnh trên. Còn đối với cúm A/H5N1, sở đã thành lập các tổ công tác, chủ động mọi nguồn thuốc men và cơ sở điều trị khi có dịch. Đặc biệt là phối hợp với ngành thú y tăng cường kiểm tra những địa điểm buôn bán gia cầm.


Bài và ảnh: Đan Phương

Phòng bệnh lúc giao mùa - Không chủ quan với bệnh trẻ em
Phòng bệnh lúc giao mùa - Không chủ quan với bệnh trẻ em

Thời tiết chuyển từ hè sang thu, trong một ngày tồn tại 2 hình thái thời tiết là nóng vào ban ngày và mát mẻ, thậm chí se lạnh vào ban đêm... Đây chính là điều kiện thuận lợi cho virút, vi khuẩn gây bệnh phát triển.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN