Cây cọ có ở nhiều nơi, nhưng “rừng cọ đồi chè” của Phú Thọ là hình ảnh đặc trưng. Khắp tỉnh Phú Thọ, đâu đâu cũng thấy cọ. Cọ dăng hàng bên đường, cọ quây quần quy tụ trên những quả đồi lúp xúp, cọ thành nương, thành rừng.
Nhiều cọ nhất là huyện Cẩm Khê, trải dọc bên hữu ngạn sông Thao, suốt mấy chục cây số. Dầy đặc nhất, xanh rợp nhất là địa hạt Phú Khê, Đông Phú, Thanh Nga, Sơn Nga, Phùng Xá, lan vào các làng lân cận bên trong.
Vườn cọ, nương cọ và rừng cọ nối tiếp nhau. Những cây cọ non một vài năm tuổi đã chĩa búp nhọn, xòe mấy chiếc lá xinh xinh đón ánh mặt trời. Những hàng cọ dăm bẩy năm tuổi chững chạc vững chãi tầu lá trải xòa lớp lớp. Những hàng cọ già lão cao vút tráng kiện dâng chùm lá lên tận trời cao. Các lứa cọ nối tiếp nhau, bao năm, bao đời bền bỉ và khỏe khoắn.
Lá cọ xếp gấp trải rộng rồi tia ra những dải dài, quy tụ cả về cục lá. Cọ lặng lẽ, tua tủa chùm rễ bám chắc vào đất sâu. Gió giật, bão rung, cọ thấp cứ đứng yên, cọ cao không nghiêng ngả. Mỗi tháng đều đặn một búp lá nõn xanh xòe một tầu lá mới. Trong nắng gió, trong giá sương, cọ lặng lẽ. Nhưng khi mưa xuống là cọ reo vui. Mưa rừng cọ, gió rừng thông. Những hạt mưa dạo đầu lộp bộp. Mưa vào cuộc, vào cơn, vào trận ào ạt râm ran triền miên. Tạnh mưa, rừng cọ hả hê, tầu cọ loang loáng sắc xanh dưới bầu trời tạnh ráo.
Rừng cọ Phú Khê rợp bóng. Ngày hè nắng chang chang mà dưới rừng cọ vẫn dịu mát, người chặt lá, bó lá, bó cành làm việc cả ngày không phải đội nón. Mặt đất phủ một lớp địa y êm mượt. Vít hai tầu cọ kết thành chiếc võng ngả lưng đu đưa ngủ thiu thiu. Giếng nước dưới chân rừng cọ trong văn vắt, hớp một ngụm mát thấu ruột gan.
Lá cọ lợp nhà bền và mát. Nhà gỗ tốt, thợ mộc lành nghề, dàn rui mè tre ngâm kỹ, lá cọ phấn dong nuôi hai ba năm lợp dầy, đến vài ba chục năm mới phải lợp lại, ấy là ngôi nhà truyền thống bề thế từ bao đời.
Cọ thấp dễ gồi. Gồi cọ cao phải có những thợ gồi tài nghệ. Những cái đà vút tầm cây tre thẳng dựng nép theo thân cọ, thợ gồi đeo dao thoăn thoắt trèo lên, từng tầu lá buông rơi. Thợ giỏi không cần đà, cứ tay bám, chân bước, rướn người lên ngọn cọ. Kìn kìn gánh lá cọ ra bến Me, bến Vực Câu, xếp ken xít trên bè chở về xuôi. Thoăn thoắt gánh bộ, rảo bước đẩy xe thồ lá cọ tới các chợ phiên trong vùng. Thương lái vào tận rừng đặt mua.
Quả cọ ăn béo bùi gần giống vị trám đen. Búp cọ làm tơi, làm nón, làm mũ lá. Mũ nón lá cọ dân dã, mộc mạc và chắc bền. Lá cọ non may nón ba tầm duyên dáng cùng cô gái quan họ hát ngân nga lúng liếng mắt huyền. Lá cọ con nắm cơm đi làm đồng, đi công tác xa, đi dân công phục vụ chiến dịch.
Một thời cây cọ phải gồng mình lên, tàu lá chưa già đã phải chặt để lợp lán trại công trường mở ra nơi nơi, để mái rơm rạ thay mái lá, rừng cọ không tốt được bời bời như trước. Bây giờ nhà mái ngói, mái đổ xi măng, lá cọ chẳng mấy đắt hàng. Cọ chẳng còn bạt ngàn bời bời xanh như trong ký ức, nhưng những vườn cọ, những nương cọ, rừng cọ vẫn còn đó, làm đẹp cho cảnh sắc miền quê Phú Thọ trung du và cả một vùng quê miền núi phía Bắc. Thật thân thương câu hát bé em tới trường: Cọ xòe ô che nắng/Râm mát đường em đi.
Cao Văn Tư