Rộn ràng Lễ hội mừng cơm mới của người Tày

Những người “sành điệu” về du lịch vùng cao thường cho rằng lên Tây Bắc phù hợp nhất là vào mùa Thu, khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm.

Lễ cúng cơm mới của người dân tộc Tày Bắc Hà. Ảnh: lehoi.cinet.vn

Vào thời điểm này, ngoài tiết trời trong xanh, khô ráo thuận lợi cho leo núi và du lịch bản làng còn có một lý do quan trọng khác, đó là mùa các chân ruộng bậc thang vào độ chín, mùa bản làng Tây Bắc rộn ràng hương lúa mới với nét văn hóa bản địa độc đáo là hội cốm, tức "ăn mừng cơm mới" (còn gọi là "kin khẩu mẩu") của đồng bào các dân tộc, trong đó có người Tày Lào Cai.

Mùa Thu, lễ "kin khẩu mẩu" bắt đầu khi trên cánh đồng các bản người Tày ở Bảo Yên, Bắc Hà, Văn Bàn, Sa Pa, người người tấp nập gặt lúa. Ven các con suối Nhù, Nậm Mu, Mường Hoa và Nghĩa Đô, các tốp nam nữ thanh niên đứng giã gạo bên chiếc cối dài làm từ thân cây to đã khoét lõi, tiếng cười nói giòn giã . Sau mỗi lần chiếc chày giã xuống, các chàng trai, cô gái đập thêm một nhịp vào thành cối tạo thành âm thanh thậm thịch vui tươi. Người rang, người giã, người sàng sảy… tạo nên không khí đông vui rộn ràng mang đậm nét văn hóa riêng có ở vùng cao Lào Cai.

Lễ “Kin khẩu mẩu" của người Tày diễn ra khi sắp kết thúc hai vụ gieo trồng chính trong năm. Theo phong tục truyền thống của người Tày, gia đình nào có “ma nhà,” có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà, hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng “cơm mới”. Trước đó, thầy mo có uy tín trong vùng sẽ chọn một ngày lành, sau đó báo cho mọi người biết để tổ chức lễ. Tất cả các gia đình trong vùng đều tổ chức lễ vào ngày này.

Theo đó, người dân sẽ chọn vài bông lúa đẹp nhất trong đám ruộng, cắt cả bông đem về nhà. Sau đó, đun sôi một ít nước và thả bông lúa mới vào rồi mang bát nước cùng bông lúa lên bàn thờ thắp hương dâng cúng tổ tiên, cầu mong được mùa màng bội thu để năm sau lại có của cải dâng tổ tiên…

Đặc biệt, mâm lễ cúng không thể thiếu được món ăn truyền thống của người Tày là cốm. Nếu như ở nhiều địa phương, nghề làm cốm đang dần bị mai một, ở Lào Cai nhờ lễ ăn mừng cơm mới, hội cốm đã trở thành là nét đẹp văn hóa ẩm thực được duy trì và tiếp nối của các dân tộc vùng cao.

Đối với người Tày, dù lúa nếp được cấy dưới ruộng nước hay gieo trên nương rẫy, khi ngắt lúa về, hạt lúa nếp phải còn chút sữa ở đầu hạt, vỏ hơi lam vàng và hạt chưa chín hết, khi làm hạt cốm vừa dẻo vừa thơm.

Lúa nếp ngắt về được chế biến ngay, bởi nếu để mấy hôm sau mới làm sẽ mất đi nhiều hương thơm và độ dẻo. Sau khi sàng sảy lấy những hạt chắc, lúa được đưa vào rang và cho vào cối đá giã đều cho bong vỏ trấu bên ngoài, rồi sàng sảy hết cám và vỏ trấu. Lúc này, những hạt cốm xanh tươi bắt đầu “lộ diện” với mùi thơm hấp dẫn.

Để cho cốm dẻo và xanh hơn, tiếp tục phải cho cốm vào cối để giã một lần nữa. Sau lần giã này, cốm được sàng bỏ cám rất kỹ trước khi đưa vào sử dụng. Nếu gia đình nào lỡ để lúa nếp hơi quá ngày, già tháng một chút phải cho lúa vào nồi luộc chín mới mang đi giã. Theo họ, cách làm này sẽ tạo cho hạt cốm vị thơm và dẻo như cốm rang vậy.

Hạt cốm Tày sau bao lần giã, sàng sảy tròn mẩy, xanh ngắt như lá dong rừng, mười hạt đều cả mười, cầm vào mát nhẹ giữa lòng bàn tay... Trong lễ ăn mừng cơm mới của người Tày, từ cốm, người ta có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như xôi, chè, cháo, bánh...Hạt cốm làm khá kì công nên giá thành không rẻ, dao động từ 120.000 – 150.000 đồng/kg.

Mỗi mùa cốm về, cả gia đình chị Liềng Thị Mỷ (Na Hối, Bắc Hà) tập trung toàn bộ nhân lực để kịp làm cốm đem bán ở chợ phiên hoặc đổ buôn. Cốm ở đây được làm từ lúa nếp truyền thống của người Tày Bắc Hà nên mang hương vị đặc trưng hấp dẫn. Chị Mỷ cho biết, muốn bảo quản cốm được lâu mà vẫn đảm bảo độ thơm, dẻo phải dùng lá dong tươi lót hoặc túm từng túm khoảng 1 kg/túm. Theo chị Mỷ, mỗi ngày gia đình chị làm được từ 30 - 40 kg. Như vậy, thu nhập từ làm cốm của mỗi người trong gia đình được khoảng 1 - 2 triệu đồng/ngày.

Theo ông Nguyễn Văn Luyện, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Bắc Hà (Lào Cai), đây là món ăn đặc sản truyền thống được du khách đến Bắc Hà, Lào Cai đặc biệt ưa thích. Tại các chợ phiên hoặc chợ lớn ở thành phố, cốm luôn “cháy” hàng.

"Lễ hội mừng cơm mới" là sự kế thừa những thành quả, những giá trị đời sống văn hóa, tinh thần mà nhân dân các dân tộc trên địa bàn Lào Cai đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy trong cuộc sống hiện đại. Đây không chỉ là nét đẹp văn hóa cần được trân trọng, duy trì mà còn góp phần giúp người dân cải thiện cuộc sống từ chính đặc sản quê hương.

Hương Thu (TTXVN)
Lễ mừng nhà mới dân tộc Mông
Lễ mừng nhà mới dân tộc Mông

Cũng như dân tộc khác, ngày vào nhà mới là ngày đại sự của người Mông. Dù nghèo hay giàu, đồng bào đều tổ chức ăn uống vui vẻ, để chúc mọi sự tốt lành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN