Đó là thông tin mà PGS.TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, đưa ra trong "Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 48", do Viện Khảo cổ học Việt Nam tổ chức, đã diễn ra ngày 26/9, tại Hà Nội.
Theo PGS.TS Tống Trung Tín, kể từ khi Luật Di sản có hiệu lực (từ năm 2001 đến nay), kết quả của công tác xây dựng quy hoạch khảo cổ học vẫn là con số không. Tuy đã có một vài địa phương có chuyển động như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Thành phố Hồ Chí Minh... nhưng còn khá lúng túng và hết sức chậm chạp. Nếu không hành động nhanh thì các di sản khảo cổ học quý giá sẽ ngày một biến mất nhanh trước tốc độ đô thị hóa hiện nay. Bởi ước khoảng 80 - 90% các di tích khảo cổ học thời đại kim khí đã phát hiện, giờ đây bị “xóa sổ” hoàn toàn.
Đồng tình với quan điểm này, nhà sử học Dương Trung Quốc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, các địa phương, các cơ quan thông tin đại chúng vào cuộc hơn nữa, cùng lên tiếng để bảo vệ di sản khảo cổ học.
Mặc dù quy hoạch khảo cổ học chưa có kết quả như mong muốn, song năm 2013 giới khảo cổ học đã có nhiều nghiên cứu, phát hiện quan trọng, với 456 bài thông báo thể hiện sự quan tâm, chú ý của giới nghiên cứu khảo cổ học trong và ngoài nước. Trong đó có nghiên cứu chuyên sâu, nghiên cứu hoạt động phục vụ việc xây dựng hồ sơ di sản thế giới, phục vụ công tác bảo tồn lâu dài và phát huy di tích, di sản.
Minh Nguyệt