Vấn đề tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế được nhiều đại biểu đem ra “mổ xẻ” để tìm ra “phương thuốc” hữu hiệu, giúp nền kinh tế nhanh chóng vượt qua khó khăn trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 31/10.
Doanh nghiệp Nhà nước ì ạch
Đa số các đại biểu đều cho rằng, “bức tranh” chung của kinh tế thế giới và trong nước là ảm đạm, nhưng với nỗ lực của hệ thống chính trị và đặc biệt là của người dân, nền kinh tế Việt Nam vẫn tạo được nhiều nét tươi sáng như: Cơ bản đạt được những mục tiêu tổng quát của năm 2013 và giai đoạn 2011 - 2013. Kinh tế vĩ mô từng bước ổn định, hiệu quả đầu tư được cải thiện, lạm phát được kiềm chế, an sinh xã hội bảo đảm, an ninh chính trị giữ vững, một số chỉ tiêu cụ thể đạt cao hơn so với kế hoạch.
Đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phát biểu.Trọng Đức - TTXVN |
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế của nền kinh tế như: tăng trưởng bình quân thấp so với kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%), thu ngân sách hụt thu trên 20.000 tỷ đồng, ảnh hưởng đến chi đầu tư phát triển, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sức mua của thị trường giảm sút, giá nông sản sụt giảm tác động đến thu nhập và đời sống của người nông dân...
Để nền kinh tế sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng, đa số các đại biểu cho rằng, cần đẩy nhanh tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đặc biệt là những lĩnh vực quan trọng như: nông nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công...
Đại biểu Nông Thị Bích Liên (Hà Giang) cho rằng, trong 4 động lực tạo ra tăng trưởng của nền kinh tế là khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân, nông nghiệp và vốn đầu tư nước ngoài, thì chỉ có khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng cao. Như vậy, về vai trò của kinh tế Nhà nước là lĩnh vực được Nhà nước và nhân dân kỳ vọng nhất, chiếm dụng vốn lớn, lại không tạo ra nhiều việc làm, thậm chí một số lĩnh vực hoạt động không hiệu quả.
Trong khi đó, “tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang có phần nào chưa quyết tâm cao”, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nhận xét.
Do vậy, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, về trung hạn cần tập trung thực hiện tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, nhưng vấn đề này lại đang triển khai ì ạch nhất. Thứ hai là thay đổi về cơ chế phân bổ đầu tư công và cuối cùng là làm sao trong 2 năm tới, chúng ta không chỉ đạt tăng trưởng 5,6% mà quan trọng nhất là tạo sự ổn định vĩ mô, tạo niềm tin để phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Nông nghiệp làm đầu tàu
Những năm qua Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn; kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, giúp cải thiện đời sống nông dân.
Tuy nhiên 2 năm qua và đặc biệt là trong năm 2013 lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã xuất hiện những khó khăn đáng quan tâm. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm dần và đạt thấp. Thứ hai, tình trạng sụt giảm mạnh về giá cả những mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, cá tra... Khâu tiêu thụ gặp khó khăn, sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Thứ ba, đầu tư toàn xã hội cũng như đầu tư công trong lĩnh vực nông nghiệp có hiện tượng sụt giảm và chưa đáp ứng yêu cầu ổn định phát triển khu vực này. Thứ tư, chương trình xây dựng nông thôn mới thực hiện chậm do nguồn lực đầu tư hạn chế, bên cạnh đó do nhận thức của một số địa phương còn nặng về xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa quan tâm nhiều đến việc nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp và thu nhập cho nông dân.
Với những khó khăn yếu kém trên đã làm cho thu nhập của nông dân chậm cải thiện, đặc biệt đối với người nông dân trồng lúa. Đời sống nông dân có dấu hiệu khó khăn hơn. Người nông dân sẽ kiệt sức nếu tình hình này chậm được thay đổi.
Do vậy, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một yêu cầu bức thiết bởi nó không chỉ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam được phát triển bền vững mà còn là động lực để nâng cao thu nhập đời sống của nông dân đang chiếm gần 70% dân số Việt Nam.
Trong đó, trọng tâm là việc xây dựng các mô hình liên kết gắn với sản xuất tiêu thụ thông qua hợp đồng, nòng cốt là xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
“Việc sản xuất, liên kết trên cánh đồng mẫu lớn để nhấn mạnh yếu tố hợp tác giữa hộ nông dân sản xuất với các đơn vị tiêu thụ, tức là giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua đầu mối là hợp tác xã”, đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) nhận định.
Theo các đại biểu, để tái cơ cấu lại nông nghiệp thì phải giải quyết vấn đề cơ bản nhất đó là đất đai. Đại biểu Lê Công Đỉnh - Long An cho rằng, hiện tại, thời hạn giao đất, sử dụng đất nông nghiệp chỉ có 20 năm. Như vậy, đối với đất trồng cây lâu năm vừa cho thu hoạch đã cận kề thời điểm thu hồi đất, tạo bất an về sản xuất. Đại biểu đề nghị xem xét nâng định mức này lên thành lâu dài, hoặc ít nhất là 50 năm.
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, để tái cơ cấu cần tích tụ ruộng đất và phát triển kinh tế trang trại, thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và tạo sản phẩm tiêu chuẩn hóa.
“Theo kinh nghiệm của các nước xung quanh, trang trại trên 25 ha là mức tối thiểu để có khả năng phát triển bền vững trong áp lực kinh tế thị trường. Do đó tôi đề nghị cần sớm cụ thể hóa chủ trương tích tụ ruộng đất sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua và cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa để khuyến khích kinh tế trang trại phát triển”, đại biểu Lê Công Đỉnh nhấn mạnh.
Phi Sơn