Quốc hội Iraq không thể họp khẩn

Ngày 12/6, Quốc hội Iraq đã không thể triệu tập đủ số nghị sĩ cho phiên họp bất thường để thảo luận về việc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi phiến quân thuộc nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo Iraq và cận Đông (ISIL) đánh chiếm nhiều thành phố ở quốc gia vùng Vịnh này.

Kêu gọi LHQ viện trợ


Theo một nguồn tin quan chức Iraq, Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi đã quyết định hoãn phiên họp tới khi có thông báo tiếp theo. Phiên họp ngày 12/6 chỉ có sự tham dự của 128 nghị sĩ, trong khi việc ra quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia cần sự đồng ý của 2/3 trong tổng số 325 nghị sĩ quốc hội.

Trước đó, ngày 10/6, Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã tuyên bố tình trạng báo động đỏ trên toàn quốc, đồng thời kêu gọi Quốc hội triệu tập họp khẩn để ban bố tình trạng khẩn cấp do bất ổn an ninh leo thang tại khu vực miền Bắc nước này.

Các tay súng ISIL đóng chốt tại một địa điểm bí mật ở tỉnh Nineveh ngày 11/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Lo ngại bạo lực tiếp tục leo thang, ngày 12/6, Đại sứ Iraq tại Pháp Fareed Yasseen đã kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) thông qua quyết định viện trợ quân sự bổ sung cho Baghdad, trong đó có máy bay và máy bay không người lái. Kêu gọi trên được đưa ra ngay trước thềm phiên họp của HĐBA sẽ nhóm họp cùng ngày tại New York, Mỹ.

Trả lời câu hỏi của Đài phát thanh France Inter, ông Yasseen cho rằng HĐBA cần ủng hộ Iraq vì tình hình hiện nay ở nước này không chỉ đe dọa an ninh quốc gia mà còn của cả khu vực. Ông Yasseen khẳng định chính phủ Iraq tới giờ vẫn chưa yêu cầu Mỹ không kích phiến quân Hồi giáo và lực lượng an ninh vẫn kiểm soát tình hình tại phía Bắc.

Giao tranh quyết liệt

Liên quan đến tình hình chiến sự tại khu vực miền Bắc Iraq, lực lượng an ninh Peshmerga của khu vực tự trị người Kurd đã hoàn toàn kiểm soát thành phố dầu mỏ Kirkuk sau khi quân đội chính phủ rút khỏi các căn cứ tại đây. Trước đó một ngày, hàng trăm tay súng thuộc lực lượng thánh chiến ISIL cũng đã tấn công các thị trấn ở phía Đông và Nam có đông người Arab sinh sống như Hawijah, Zab, Riyadh, Abbasi, Rashad. Đây là thành phố nằm trong khu vực tranh chấp giữa 3 nhóm sắc tộc người Kurd, người Arab và Turkoman.

Từ lâu, người Kurd ở Kirkuk đã muốn sáp nhập thành phố vào khu tự trị của người Kurd ở biên giới Iraq, nhưng bị chính quyền trung ương bác bỏ.

Tại tỉnh Salahudin cũng ở miền Bắc, lực lượng an ninh cho biết vẫn đang kiểm soát thành phố Samarra và tiếp tục giao tranh với các nhóm phiến quân. Trước đó, nhiều thành phố và thị trấn ở tỉnh này đã bị các phiến quân kiểm soát, trong đó có thủ phủ Tikrit.

Tại tỉnh Anbar, lực lượng an ninh Iraq đã rút khỏi các vị trí có đông người Hồi giáo Sunni sinh sống. Một cảnh sát tỉnh xác nhận quân đội, cảnh sát và lính biên phòng đã rút khỏi các vị trí đóng quân trên biên giới chung với Syria, gần thành phố Qaim, từ chiều 11/6. Ngay sau khi quân đội rút lui, thủ lĩnh các bộ lạc Sunni đã thông báo thành lập lực lượng riêng làm nhiệm vụ kiểm soát biên giới và thành phố.

Trong khi đó, tại Baghdad, các tay súng phiến quân mở đợt tấn công mới từ hướng Tây và hướng Bắc nhưng chưa có thêm thông tin cụ thể.

Giao tranh đẫm máu giữa lực lượng an ninh và phiến quân đã bùng phát mạnh ở Iraq từ tuần trước làm hàng chục người thương vong và hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều thành phố và địa phương đã bị các tay súng chiếm giữ khiến dư luận quan ngại về nguy cơ bất ổn an ninh sẽ nhấn chìm Iraq và cả khu vực Trung Đông.


TTXVN/Tin tức

Iraq rút quân từ biên giới Syria về bảo vệ thủ đô
Iraq rút quân từ biên giới Syria về bảo vệ thủ đô

Lực lượng an ninh Iraq đã rút khỏi các vị trí ở tỉnh Anbar bất ổn của tín đồ Hồi giáo dòng Sunni thuộc khu vực biên giới với Syria trước tình hình phiến quân tiến hành đợt tấn công mới nhằm vào Baghdad.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN