Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cần được ưu tiên tiêm phòng vắcxin rubella

Nếu thai phụ nhiễm rubella trong 3 tháng đầu thì sẽ có tới trên 90% có khả năng trẻ sau khi ra đời nhiễm Hội chứng rubella bẩm sinh, thường mắc các dị tật như mù, điếc, não bé (chậm phát triển), tim bẩm sinh... Vậy làm thế nào có thể giảm và không tái diễn trình trạng gia tăng số thai phụ nhiễm rubella và trẻ nhiễm hội chứng rubella bẩm sinh như đang diễn ra từ đầu năm tới nay? PGS.TS Nguyễn Trần Hiển (ảnh), Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

Thời gian tới, Việt Nam có đưa việc tiêm phòng vắcxin rubella vào Chương trình tiêm chủng mở rộng không, thưa ông?

Tháng 4/2011, khi có hàng loạt phụ nữ mang thai nhiễm rubella, trong đó khá nhiều ca đã phải nạo phá thai, chúng tôi và chuyên gia của của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tiến hành “thị sát” một số cơ sở y tế sản, nhi tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Phúc... Mục đích nhằm đánh giá thực trạng về tình trạng phụ nữ mang thai nhiễm rubella và đặc biệt là tình trạng trẻ em nhiễm hội chứng rubella bẩm sinh từ bà mẹ mang thai nhiễm rubella.

Phòng tư vấn cho thai phụ nhiễm rubella của Trung tâm Chẩn đoán trước sinh hiện nay luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN


Theo báo cáo chưa đầy đủ, tổng số ca nhiễm rubella có tăng so với trung bình 5 năm vừa qua, số phụ nữ mang thai đến điều trị ở bệnh viện là khá nhiều và cũng không ít thai phụ đã phải bỏ thai do nhiễm rubella trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Tại một số bệnh viện nhi, số trẻ bị nhiễm hội chứng rubella bẩm sinh cũng có xu hướng tăng hơn so với mọi năm.

Trước thực trạng này, với sự hỗ trợ của WHO, chúng tôi đã phác thảo một kế hoạch phòng chống dịch rubella tại Việt Nam. Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương đã hoàn tất việc xây dựng kế hoạch này và đã trình Bộ Y tế xem xét, trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Theo khuyến cáo của WHO, nếu triển khai Chiến lược tiêm chủng vắcxin rubella, những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (từ 15 - 35 tuổi) sẽ là đối tượng được ưu tiên số 1 nhằm giảm tỷ lệ nhiễm rubella ở phụ nữ mang thai nhằm phòng hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ em. Sau đó, cần tiêm phòng cho tất cả trẻ em (1 - 14 tuổi) và thứ ba là cần tiêm phòng vắcxin cho mọi trẻ sơ sinh được sinh ra hàng năm (lúc 12 tháng tuổi) theo lịch trong chương trình tiêm chủng mở rộng, nhằm hạn chế nguồn truyền nhiễm và tiến tới loại trừ bệnh rubella..

Khi cả quần thể đều được tiêm phòng vắcxin, chắc chắn sẽ giảm được tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm rubella và đặc biệt sẽ giảm được tỷ lệ trẻ nhiễm hội chứng rubella bẩm sinh từ bà mẹ nhiễm rubella trong quá trình mang thai, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.

Hiện nay, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng đang lập kế hoạch triển khai Chương trình giám sát dịch rubella và hội chứng rubella bẩm sinh tại một số tỉnh trọng điểm. Việc giám sát được tiến hành đối với những thai phụ nhiễm rubella, đặc biệt là theo dõi tình trạng trẻ nhiễm hội chứng rubella bẩm sinh từ những bà mẹ nhiễm rubella trong quá trình mang thai. Kết quả của Chương trình giám sát này sẽ là một trong những căn cứ để đưa ra những khuyến nghị tốt hơn trong việc cảnh báo, cũng như giúp các nhà quản lý xây dựng và triển khai những chiến lược tốt nhất, nhằm phòng tránh dịch bệnh rubella trong cộng đồng.

Việc triển khai chiến lược trên đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí rất lớn, vậy chúng ta có thể tự sản xuất vắcxin hoặc kêu gọi thêm sự tài trợ của các tổ chức quốc tế không, thưa ông?

Quả thực, tìm nguồn kinh phí để triển khai chiến lược nêu trên đang là vấn đề rất khó khăn.

Chúng tôi đang bàn bạc và ủng hộ nâng cao năng lực sản xuất vắcxin phối hợp sởi - rubella tại Việt Nam. Việc sản xuất vắcxin trong nước sẽ chủ động được nguồn vắcxin, giảm giá thành, tăng tỷ lệ người dân được tiêm phòng vắcxin rubella, và đồng thời dự phòng và tiến tới loại trừ cả 2 bệnh này trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng đã đề xuất phương án xã hội hóa việc tiêm phòng vắcxin (ví dụ doanh nghiệp, cơ quan hay người dân đóng góp một phần kinh phí cho việc tiêm vắcxin). Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để giúp đỡ Việt Nam triển khai hoạt động tiêm phòng vắcxin rubella cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Dự kiến, khi nào chiến lược trên được phê duyệt và triển khai thưa ông?

Vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là chúng ta chưa có được nguồn kinh phí để triển khai việc tiêm phòng vắcxin rubella, chỉ tính riêng kinh phí để tiêm phòng cho số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cũng đã mất khoảng 300 tỷ đồng/năm.

Trong trường hợp nguồn lực chưa được đáp ứng để có thể triển khai cho cả 3 nhóm đối tượng nêu trên, việc tiêm phòng vắc xin rubella dự kiến sẽ được triển khai cho nhóm đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại những thành phố lớn, có số lượng ca mắc rubella cao như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN