Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) có vị trí quan trọng trong việc tạo nguồn cán bộ có trình độ cho vùng dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, trên thực tế, mạng lưới và quy mô trường PTDTNT phát triển chưa đồng đều, hiệu quả đào tạo chưa cao... Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011 - 2015 vừa được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2011 đã và sẽ giúp những vùng khó trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho địa phương mình.
Đề án Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011 - 2015 đã giải quyết phần nào những khó khăn của giáo dục miền núi: Tăng cơ hội được học tập cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, tăng quy mô cơ sở vật chất cho các nhà trường. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn mong muốn sự hỗ trợ của Chính phủ cần mở rộng hơn nữa để tăng thêm cơ hội học tập cho số đông học sinh dân tộc thiểu số.
86% nguồn nhân lực dân tộc thiểu số chưa qua đào tạo
Một thực tế được bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD - ĐT cho biết là hiện nay, quy mô trường PTDTNT phát triển không đồng đều ở các địa phương. Tỷ lệ học sinh PTDTNT bình quân chung toàn quốc chiếm khoảng 6,1% học sinh dân tộc thiểu số cấp trung học. Do tỷ lệ học sinh PTDTNT so với học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS và cấp THPT không đồng đều ở các tỉnh nên dẫn tới tình trạng thiếu bình đẳng trong thực hiện chính sách dân tộc giữa các địa phương, việc tạo nguồn đào tạo cán bộ ở các tỉnh có đông người dân tộc thiểu số không được đảm bảo.
Giờ thực hành môn Tin học của học sinh lớp 8 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Ảnh: Trần Tuấn - TTXVN |
Vì vậy, chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số cũng không được đảm bảo. Ông Sơn Phước Hoan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, hiện nay có tới 86% nguồn nhân lực vùng dân tộc chưa qua đào tạo. Vì vậy cần có sự phát triển PTDTNT để tạo sự cân bằng, thu hẹp sự mất cân đối trong đào tạo học sinh của các dân tộc thiểu số.
Chia sẻ về thực tế phát triển trường PTDTNT của địa phương, ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD - ĐT Điện Biên cho hay, quy mô trường PTDTNT tỉnh là 600 học sinh, trường dân tộc nội trú huyện là 300 học sinh. Từ 3 năm nay, hầu hết các tỉnh nâng cấp các trường dân tộc nội trú cấp huyện lên thành trường PTDTNT như vậy mới đáp ứng được nhu cầu đào tạo. Chỉ có 15 - 17% học sinh học hết THCS ở trường huyện lên học PTDTNT cấp tỉnh, số còn lại, một phần chuyển đến học trường THPT ngoài, còn đa số đều chuyển sang lao động sản xuất. Tuy nhiên, về sau số ít học sinh người dân tộc thiểu số chuyển sang học trường THPT cũng không theo học được do điều kiện gia đình khó khăn. Như vậy đào tạo học sinh có trình độ THPT là không đạt được mục tiêu. Ông Quý cũng cho biết đây là tình trạng chung của khá nhiều tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy việc đầu tư cũng như mở rộng quy mô trường PTDTNT là việc làm cần thiết.
Các địa phương cần quyết tâm
Mục tiêu Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011 - 2015” nhằm củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô các trường PTDTNT ở miền núi, vùng dân tộc, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; đảm bảo các tỉnh, huyện có đông người dân tộc thiểu số, có nhu cầu và đủ điều kiện mở trường đều có trường PTDTNT, trung bình mỗi tỉnh có 1 trường PTDTNT tỉnh và mỗi huyện có một trường PTDTNT huyện. Cả nước có 317 trường PTDTNT với khoảng 85.000 học sinh, đạt bình quân 7% học sinh dân tộc thiểu số cấp THCS và cấp THPT trong toàn quốc được học trong trường PTDTNT. Đầu tư cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện để nuôi dạy học sinh nội trú. Phấn đấu năm 2015 đạt 30% trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia. Nâng cao năng lực nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục và quản lý tại các trường PTDTNT. |
Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD - ĐT Điện Biên cho biết, nếu triển khai Đề án thì đến năm 2015, tỉnh mới đạt gần 5% tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số được học ở trường PTDTNT. Nhưng ngân sách địa phương ở các tỉnh miền núi khó có 25% ngân sách đối ứng như Đề án đề xuất, vì vậy tỉnh cũng đề xuất là cần cấp kinh phí 100% và bổ sung thêm một trường PTDTNT cấp tỉnh cho Điện Biên. Như vậy, đến năm 2015 tỉnh mới đảm bảo tiến độ mà Đề án đã vạch ra cho các địa phương. Cùng quan điểm này, ông Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, Hòa Bình có 9 trường PTDTNT. Tỷ lệ 3,6% học sinh dân tộc được học trong trường PTDTNT. Mục tiêu đến năm 2015 là 4,6%, như vậy so với mục tiêu của Đề án (7%) là chưa đạt, vì vậy tỉnh đề nghị thêm kinh phí để đạt được mục tiêu.
Ngoài việc đạt được mục tiêu, nhiều địa phương quan tâm đến quy mô học sinh dân tộc thiểu số được thụ hưởng từ Đề án. Ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND Thanh Hóa chỉ ra những điểm mà Đề án chưa đề cập tới. Đó là, tỷ lệ học sinh dân tộc tuyển vào trường PTDTNT là thấp. Tuyển sinh chưa đáp ứng được chất lượng, mục tiêu đào tạo của trường.
Trước vấn đề về kinh phí được nhiều địa phương nêu ra, ông Phạm Hùng Anh, Phó Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và đồ chơi trẻ em, Bộ GD - ĐT cho biết, hiện nay nhiều tỉnh đề xuất danh mục tăng 40- 60% so với tiêu chuẩn của Đề án. Tuy nhiên, tại thời điểm này nên bàn về tập trung thực hiện theo đúng hạng mục được phê duyệt.
Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, Bộ GD - ĐT sẽ nghiên cứu, cụ thể hóa hướng dẫn và sẽ có điều chỉnh về chế độ chính sách đối với đối tượng cán bộ giáo viên, học sinh ở trường PTDTNT. Bộ đề nghị các địa phương đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, căn cứ trên những tiêu chí, danh mục mà Chính phủ đã phê duyệt. Mục tiêu và sự khả thi của Đề án phụ thuộc rất nhiều vào quyết tâm của mỗi địa phương.
Lê Vân