Phát triển mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng

Nhằm tăng cường công tác bảo vệ rừng gắn với việc tạo sinh kế bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số, các địa phương miền núi, tỉnh Quảng Nam đang triển khai mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Chú thích ảnh
Người dân xã Phước Mỹ (Phước Sơn, Quảng Nam) chăm sóc cây ba kích. Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN

Quảng Nam có phần lớn diện tích là đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng hiện đạt 58,64% với nhiều loại cây dược liệu phong phú. Cây ba kích là loại cây dược liệu quý mọc nhiều ở những cánh rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Nam nhưng để ươm giống trồng thành công loại cây này đòi hỏi phải nắm chắc đặc tính sinh trưởng, kỹ thuật chăm sóc.

Cách đây hơn 1 năm, đồng bào dân tộc Giẻ Triêng ở hai xã Phước Xuân và xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn đã triển khai mô hình trồng cây ba kích tím dưới tán rừng ở khu vực vành đai của Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.

Với sự hỗ trợ của Dự án Trường Sơn xanh và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, 75 hộ dân của 2 xã trên đã được tập huấn các kiến thức kỹ thuật liên quan đến trồng cây ba kích dưới tán rừng như làm vườn ươm, chăm sóc cây giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ở ngoài rừng… Với 44.000 cây ba kích giống được trồng trên diện tích 6 ha, đến nay tỷ lệ sống của mô hình đạt 90%, thích ứng tốt với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây.

Chị Hồ Thị Phượng, một người dân trồng cây ba kích tại xã Phước Mỹ chia sẻ, trước đây, người dân chỉ biết trồng lúa rẫy, đi làm thuê hoặc vào rừng khai thác những sản vật theo mùa để mưu sinh. Khi chuyển sang trồng cây dược liệu dưới tán rừng, thời gian đầu có nhiều bỡ ngỡ nhưng với sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, bà con dần làm chủ được quy trình trồng và chăm sóc cây. Việc trồng cây ba kích nói riêng và cây dược liệu nói chung, người trồng phải kiên trì bởi cây phải có thời gian sinh trưởng ít nhất từ 3 năm trở lên mới cho thu hoạch.

Với phương pháp tiếp cận theo chuỗi giá trị, người dân tham gia trồng cây ba kích dưới tán rừng ở hai xã Phước Xuân và xã Phước Mỹ còn được dự án Trường Sơn xanh và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới trang bị kỹ năng về cách chế biến rễ ba kích khô, cách đóng gói, tiếp thị sản phẩm. Hiện tại, Công ty Nông lâm sản Phước Sơn đã ký thỏa thuận hợp tác về tiêu thụ sản phẩm với đại diện tất cả các nhóm hộ trồng ba kích tại đây.

Phước Sơn là một trong 3 huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam được thụ hưởng theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, với hơn 2.000 hộ nghèo chiếm 31,3% dân số toàn huyện. Xác định mô hình trồng cây dược liệu dưới tán rừng là hướng đi mới, lâu dài để xóa đói giảm nghèo, hàng năm huyện Phước Sơn giành khoảng 1 tỷ đồng để hỗ trợ người dân về nguồn giống cây, đồng thời giao khoán rừng theo nhóm hộ để người dân canh tác kết hợp với bảo vệ rừng. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Hồ Quang Hường cho biết, trên địa bàn huyện hiện đã bước đầu hình thành vùng dược liệu rộng 30 héc ta gồm cây ba kích, đảng sâm, đây là những cây dược liệu có nhu cầu thị trường lớn. Để tiếp tục mở rộng diện tích vùng dược liệu, huyện luôn chú trọng công tác tập huấn chuyển giao kỹ thuật tới các nhóm hộ đồng bào, đồng thời quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp để tìm thị trường đầu ra cho người dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, chủng loại cây dược liệu ở khu vực miền núi của tỉnh Quảng Nam được đánh giá là đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển trở thành trung tâm dược liệu lớn của cả nước. Hiện tại, Quảng Nam có khoảng trên 500 ha diện tích trồng cây dược liệu và đang tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.

Đỗ Trưởng - Khoa Chương (TTXVN)
Trồng cây dược liệu, hướng xóa đói giảm nghèo của phụ nữ vùng sâu Kon Tum
Trồng cây dược liệu, hướng xóa đói giảm nghèo của phụ nữ vùng sâu Kon Tum

Ở địa bàn có trên 95% dân số là hộ nghèo, Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã Mường Hoong, Ngọc Linh của huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN