Phát triển giống bò u của đồng bào Mông

Thực hiện định hướng chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2006 - 2015, tỉnh Cao Bằng đã triển khai Chương trình phát triển đàn bò, phấn đấu đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất nông lâm nghiệp, với mức tăng trưởng bình quân 7%/năm. Hiện toàn tỉnh có trên 10 vạn con bò giống địa phương, sinh trưởng phát triển phù hợp với thời tiết khí hậu của vùng, ít bệnh tật. Đặc biệt, giống bò U của đồng bào Mông được nông dân nuôi tại chuồng, trọng lượng có con đạt 700 - 800 kg, chất lượng tốt không kém gì bò sind của Ấn Độ.


Các địa phương có phong trào phát triển chăn nuôi mạnh là: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng. Đảng bộ huyện Bảo Lâm ra nghị quyết phấn đấu đến năm 2013 đàn bò đạt 45.000 con. Nhiều gia đình ở Bảo Lâm thường xuyên nuôi từ 40 - 100 con bò, như: Ông Hoàng Văn Nó, xóm Phiêng Roỏng, xã Thạch Lâm nuôi 130 con; ông Vừ Ống Théc, xã Sơn Lập (Bảo Lạc) nuôi trên 100 con... Ở huyện Hà Quảng, phong trào chăn nuôi bò hàng hóa cũng rất phát triển, nhất là các xã vùng cao. Đến nay, toàn huyện Hà Quảng có gần 8.000 con bò. Hiện nay, tỉnh có Hiệp hội chăn nuôi bò tỉnh Cao Bằng với trên 500 thành viên, có 25 nhóm sở thích chăn nuôi bò. Sản phẩm thịt bò Cao Bằng đạt chất lượng được các siêu thị lớn ở Hà Nội tiêu thụ.


Để phát huy tiềm năng thế mạnh, trong phát triển chăn nuôi bò, người chăn nuôi cần gắn việc cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp zebu hóa đàn bò, nhằm nâng cao chất lượng đàn bò đem lại hiệu quả kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đầu tư đưa công nghệ sinh học vào phát triển, cải tạo đàn bò Cao Bằng đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, phát triển kinh tế nông nhiệp, nông thôn lên tầm cao mới.


K.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN