Gò Quao là huyện có 9.826/32.940 hộ là đồng bào Khmer sinh sống, (chiếm trên 31%), đông nhất trong các huyện thuộc tỉnh Kiên Giang, tập trung ở các xã Định An, Định Hòa, Thủy Liễu, Thới Quản, Vĩnh Phước B… Nơi đây, nhiều đảng viên dân tộc Khmer là "đầu tàu" phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Nhờ phát triển đảng viên là đồng bào DTTS, nhiều mô hình kinh tế ở Kiên Giang phát triển. |
Những năm qua, công tác phát triển đảng viên nói chung và đảng viên là đồng bào Khmer nói riêng được Ban Thường vụ Huyện ủy Gò Quao và các cấp ủy quan tâm chỉ đạo. Ông Võ Văn Trình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Gò Quao cho biết: Để thực hiện tốt công tác kết nạp đảng viên là đồng bào Khmer, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch 47, cụ thể hóa Chỉ thị 07 của Tỉnh ủy Kiên Giang và xây dựng Kế hoạch số 14 về công tác kết nạp đảng viên giai đoạn 2010 - 2015.
Theo đó, chỉ đạo Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với các cấp xây dựng quy hoạch tạo nguồn kết nạp đảng viên và phân kỳ cụ thể từng năm, chú trọng đến đội ngũ cán bộ là đồng bào Khmer hiện đang công tác tại các xã, ấp. Nhờ vậy, số lượng đảng viên người dân tộc Khmer tăng dần. Nếu năm 2009, toàn huyện có 277 đảng viên là người Khmer thì đến nay đã tăng lên 508 đồng chí.
Thực tế, đội ngũ đảng viên là đồng bào dân tộc Khmer đã trực tiếp tuyên truyền những đường lối, chính sách chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Qua đó, đồng bào thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc. Cùng với sự nhiệt tình, năng nổ của cán bộ, đảng viên là đồng bào Khmer trên địa bàn, những năm qua các chương trình mục tiêu quốc gia dành cho xã đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống cũng được quan tâm đầu tư. Chương trình 135 giai đoạn II đã đầu tư cho 3 xã Định An, Định Hòa và Thới Quản với tổng kinh phí 9 tỷ đồng để xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần tạo diện mạo mới cho huyện vùng sâu Gò Quao.
Theo bà Phạm Thị Hòa, Trưởng Ban Dân vận huyện Gò Quao, thông qua các cuộc vận động và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và nhân dân ngày càng được nâng lên. Việc thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã tạo chuyển biến tích cực, tạo điều kiện cho dân giám sát, kiểm tra trực tiếp việc điều hành của chính quyền.
Nhờ vậy, trong 3 năm qua, trên địa bàn huyện Gò Quao đã xây dựng được 113 cây cầu giao thông nông thôn với tổng trị giá 7,6 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp 6,3 tỷ đồng; hoàn thành 181,4 km đường với số tiền trên 67 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 25,5 tỷ đồng; nạo vét 103 công trình thủy lợi vừa và nhỏ với số tiền gần 26 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 1,25 tỷ đồng… Đặc biệt, các chức sắc, chức việc tôn giáo và người có uy tín trong đồng bào dân tộc của huyện đã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ trên 2 tỷ đồng, xây dựng 16 cây cầu bê tông, làm hơn 3 km đường giao thông nông thôn, xây cất 12 căn nhà đại đoàn kết, khoan 31 giếng nước…
Nhờ tập trung phát triển nguồn nhân lực, quan tâm phát triển đảng viên là đồng bào Khmer trên địa bàn, đời sống và vật chất tinh thần của đồng bào dân tộc ngày càng được nâng lên rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc Khmer giảm chỉ còn hơn 14%.
Bài và ảnh: Lê Sen