Xác định nông nghiệp là thế mạnh trong phát triển kinh tế, tỉnh Hậu Giang tiếp tục đề ra kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó coi vai trò nông dân là lực lượng chủ lực trong phát triển tam nông.
Là một tỉnh mới thành lập, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, cơ sở hạ tầng nông thôn còn thấp kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nên tỷ lệ hộ nghèo của Hậu Giang còn khá cao (trên 23% thời điểm thành lập tỉnh 2004). Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (Khóa X), sau 5 năm tập trung khai thác lợi thế về lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái, giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp năm 2012 của tỉnh đạt gần 4.000 tỷ đồng (tăng 18,66% so với năm 2008), ước năm 2013 tăng 23,9% so với năm 2008. Năm 2013, ước thu nhập trên địa bàn tỉnh đạt 21,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2 lần so với 2008. Trong đó, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt từ 8,9 triệu đồng/người (năm 2008) lên 19,48 triệu đồng/người (năm 2013), tăng 2,2 lần. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 14,51%...
Vẫn còn khó khăn
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Hậu Giang đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất; tiến hành xây dựng một số chuỗi các giá trị sản phẩm có thế mạnh như: Lúa gạo, chanh không hạt, mía, quýt đường Long Trị… Riêng cây mía Hậu Giang giữ vị trí chi phối tại vùng ĐBSCL; cá thát lát của Hậu Giang vẫn là vị trí số một cả nước. Nông sản hàng hóa ngày càng đa dạng, đạt chất lượng, hiệu quả, một số mặt hàng nông sản bước đầu hình thành mối liên kết bốn nhà; tỷ lệ cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất nông nghiệp tăng khá, đời sống văn hóa, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng ổn định tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang lựa chọn cá rô để gây giống. Duy Khương – TTXVN |
Mặc dù nỗ lực tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, song so với yêu cầu đề ra, Hậu Giang còn nhiều khó khăn. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chuyển dịch vẫn ở mức chậm, công tác quy hoạch sản xuất một số chủng loại hàng nông sản còn lúng túng, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ; cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, chất lượng thấp; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn mặc dù tập trung nhưng xuất phát điểm còn quá thấp do đó chưa đảm bảo tính đồng bộ để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, sinh hoạt đời sống của người dân nông thôn mới.
Từ kết quả 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hậu Giang nhận định: Với điều kiện khó khăn như hiện nay, đến năm 2015, tỉnh khó đạt 20% số xã nông thôn mới (19/19 tiêu chí). Hậu Giang cũng kiến nghị Trung ương xem xét, sửa đổi một số tiêu chí cho phù hợp với đặc thù vùng, miền; đề nghị Trung ương quan tâm, chỉ đạo sớm phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với cơ chế, chính sách đặc biệt tạo sức bật và điểm nhấn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. |
Đáng chú ý, năng lực phòng, tránh, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh của nông dân còn hạn chế, gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất và đời sống. Nhất là công tác quy hoạch, xây dựng ô đê bao tránh lũ, đê kè chống sạt lở ven sông, ô đê bao khép kín ngăn mặn, ngăn lũ…
18 kiến nghị
Với những khó khăn trên, tỉnh Hậu Giang đã đề xuất 18 kiến nghị đến Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là 10 kiến nghị về hỗ trợ nguồn vốn đầu tư trên nhiều lĩnh vực như: Chương trình kiên cố hóa trường lớp; chương trình y tế các tuyến tỉnh, huyện, xã; chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; đường nối Vị Thanh - Cần Thơ; đầu tư đê bao vùng mía, cây ăn trái; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang… với tổng kinh phí khoảng 7.200 tỉ đồng.
Ông Huỳnh Minh Chắc, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo định hướng phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2020. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn theo hướng hình thành nền nông nghiệp hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện sinh thái của từng vùng; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm. Chú trọng cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn. Phát triển công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu, cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp gia công và dịch vụ; liên kết nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trên từng địa bàn. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn; mở mang ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm thu hút nhiều lao động ở nông thôn. Quy hoạch hợp lý và nâng cao hiệu quả của việc sử dụng quỹ đất, nguồn nước, vốn rừng gắn với bảo vệ môi trường. Quy hoạch các khu dân cư, phát triển các thị trấn, thị tứ, các điểm văn hóa ấp, xã; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng cuộc sống dân chủ, công bằng, văn minh ở nông thôn.
Huỳnh Sử
Cần có công ty cổ phần nông nghiệp Nghị quyết 26 của Hội nghị TW7 (Khóa X) là một “cứu tinh” cho nông dân trồng lúa Việt Nam. Những hợp phần của một hệ thống sản xuất nông nghiệp theo thị trường hội nhập đã được Nghị quyết 26 nêu lên gần như đầy đủ. Vấn đề quan trọng ở đây là lần này để Nghị quyết trở thành hiện thực một cách bền vững chúng ta phải mạnh dạn tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp. Để tập hợp nông dân trên cùng vùng qui hoạch sản xuất nguyên liệu nông sản theo chuỗi giá trị gia tăng bằng cách gắn liền với một nhóm công ty có cơ sở bảo quản, chế biến hàng hóa có thương hiệu và có đầu ra phân phối sản phẩm có thương hiệu đó, nông dân trong tổ hợp có thể thành lập hợp tác xã, tập đoàn trang trại, hoặc cụm sản xuất, chỉ chuyên trồng/sản xuất một giống cây/con theo đúng chuẩn VietGAP mà thị trường đòi hỏi. Toàn bộ tổ hợp nông dân và các công ty cung cấp vật tư đầu vào, và công ty chế biến tiêu thụ đầu ra sẽ hình thành một Công ty Cổ phần Nông nghiệp tại từng vùng qui hoạch. GS.TS Võ Tòng Xuân Cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp rất cần thiết và quan trọng trong thời điểm hiện nay. Chúng ta phải tổ chức liên kết đa dạng, bền chặt giữa nông dân, doanh nghiệp và các đối tác khác. Nền nông nghiệp hiện nay không thể tiến lên mạnh mẽ, nếu không khắc phục một cách căn cơ những hạn chế, tồn tại của kinh tế nông hộ nhỏ lẻ, tự phát. Nhu cầu liên kết, hợp tác là một xu thế tất yếu, không chỉ của nhà nông mà còn là của chính các doanh nghiệp. Phải liên kết để phát triển sản xuất hàng hóa hiện đại, quy mô lớn, chất lượng, hiệu quả, bền vững, nâng cao vị thế, thu nhập đời sống nông dân; nâng cao khả năng canh tranh của doanh nghiệp, làm lợi cho nhân dân, quốc gia. Cần có cơ chế chính sách đặc thù trong liên kết nhằm phân định rõ ràng trách nhiệm các bên tham gia, đặc biệt vai trò doanh nghiệp, nông dân. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò chủ chốt. Doanh nghiệp cần đặt ra những yêu cầu cụ thể, hỗ trợ, chia sẽ lợi ích công bằng với nông dân, có cơ chế phân phối lợi ích minh bạch. Đồng thời cần sự hỗ trợ các đối tác khác như ngân hàng và có sự tham gia của nhà nước. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát Giải pháp phát triển nông nghiệp bền vững Để tăng cường và phát triển mô hình sản xuất lúa bền vững cần phải ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ trong chọn tạo giống lúa có tính thích nghi rộng cho các vụ mùa trong năm và tiêu chí cụ thể cho từng vùng sinh thái của vùng ĐBSCLvà từng chủng loại lúa -gạo phục vụ cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Ứng dụng các giải pháp khoa học-công nghệ trong chọn tạo giống cây trồng cạn thích ứng với điều kiện đất đai, khí hậu của các vùng, giống cây trồng cạn chống chịu sâu bệnh, cho năng suất cao và chất lượng tốt theo từng tiểu vùng sản xuất của vùng ĐBSCL.Giải pháp hỗ trợ kỹ thuật bao gồm các kỹ thuật giảm giá thành sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ sau thu hoạch cho các cây trồng cạn đã chọn theo từng tiểu vùng sản xuất... TS. Lưu Hồng Mẫn - Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long |