Để khai thác tiềm năng, lợi thế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách đặc thù.
Nhiều lợi thế
Liên tục những năm vừa qua, ngành ngân hàng đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và xuất khẩu. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù đối với ĐBSCL như chính sách đối với cá tra, lúa gạo, chính sách tín dụng phục vụ an sinh xã hội khu vực ĐBSCL…
Nhờ được vay vốn ngân hàng, ngư dân có điều kiện đầu tư phát triển đánh bắt hải sản. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Theo ông Trần Xuân Châu - Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ năm 2010 NHNN đã có hướng dẫn các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay thu mua thóc gạo cho nông dân. Trong năm 2012 - 2013, ngành ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp với các bộ ngành triển khai việc thu mua tạm trữ lúa gạo nhằm giữ ổn định giá lúa gạo trong thời kì thu hoạch rộ ở ĐBSCL. Chỉ riêng chương trình này, dư nợ cho vay NNNT tại khu vực ĐBSCL năm 2013 đã đạt trên 122,5 tỷ đồng.
Ngành ngân hàng cũng triển khai cho các hộ gia đình cá nhân, tổ chức đầu tư máy móc thiết bị nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, đầu tư kho dự trữ lúa, kho lạnh… với mức hỗ trợ lãi suất 100% trong 2 năm đầu và 50% trong các năm tiếp theo hoặc áp dụng mức lãi suất tín dụng đầu tư của nhà nước. Riêng đối với các hộ nuôi cá tra, tôm, chăn nuôi gia súc, gia cầm… NHNN cũng chỉ đạo thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất cho vay đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới với lãi suất thị trường thấp nhất cho các hộ gia đình, trang trại, HTX, doanh nghiệp phát triển sản xuất chăn nuôi, giết mổ, chế biến xuất khẩu…
Các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; chương trình cho vay đối với sinh viên; chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết định 167; cho vay hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng ĐBSCL… đã giúp người nghèo có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Cần mở rộng nguồn vốn
Theo ông Ngô Ngọc Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương chi nhánh Vĩnh Long, tổng nguồn vốn cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn còn khiêm tốn so với nhu cầu phát triển chung, mặt khác chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng trên địa bàn nông thôn vẫn còn ít, trong khi nhu cầu vay rất đa dạng, nhất là nhu cầu vay tiêu dùng.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt cho rằng, những năm qua tình hình các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi gia tăng, mưa lũ, hạn hán thất thường do biến đổi khí hậu tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Mặc dù việc xây dựng các phương án cho vay và kiểm soát sau vay ngày càng được hoàn thiện nhưng những rủi ro từ cho vay với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn vẫn rất cao.
Trong khi đó lại chưa có các sản phẩm nông nghiệp đủ đáp ứng yêu cầu của hàng triệu hộ dân. Vì chưa có sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đi kèm nên nếu có sự biến động lớn về giá cả, thị trường tiêu thụ, thiên tai, dịch bệnh… thì khả năng trả nợ ngân hàng của người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên các ngân hàng chỉ cho vay nhỏ giọt và vay cầm chừng.
Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đã coi bảo hiểm nông nghiệp như là một bộ phận trong chiến lược phát triển nông thôn, hạn chế rủi ro cho nông nghiệp. Tuy được triển khai từ năm 2011 nhằm chủ động bù đắp thiệt hại khi thiên tai hoặc giá cả biến động bất lợi, nhất là đối với lương thực, ngành thủy sản, chăn nuôi… nhưng việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp trong cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng vẫn chưa thành công. Để đẩy mạnh phát triển thị trường tín dụng nông nghiệp nông thôn ĐBSCL, theo các chuyên gia, cần tiếp tục duy trì và phát triển mạnh hơn nữa bảo hiểm nông nghiệp.
L. Hiền - V. Âu