Phát hiện số lượng phần mềm lậu lên tới 7 tỷ đồng

Nằm trong chiến dịch đẩy mạnh thanh, kiểm tra việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm năm 2013 trên toàn quốc, vừa qua, Thanh tra Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch (Bộ VH,TT&DL) phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm Công nghệ cao (C50), Tổng cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm, Bộ Công an, đã tiến hành kiểm tra đột xuất việc tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực bản quyền phần mềm máy tính tại 12 doanh nghiệp, trong đó có 2 công ty bán máy tính là Công ty TNHH Máy tính Hà Nội (129 - 131 Lê Thanh Nghị, Hà Nội) và Công ty TNHH Mua sắm Đệ Nhất Phan Khang (431A Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), mà Tin Tức đã đưa tin.


 

Kiểm tra phần mềm vi phạm tại doanh nghiệp.

 

Theo tiết lộ từ Đoàn thanh tra liên ngành, trong đợt thanh tra này đoàn đã kiểm tra 669 máy tính, 45 CPU và phát hiện 910 phần mềm vi phạm các loại. Các phần mềm vi phạm chủ yếu được tìm thấy là các phần mềm văn phòng phổ biến của Microsoft như Office 2007, Window XP, Office Enterprise, Window 7; phần mềm Từ điển Lạc Việt (MTD 2002, 2005); các phần mềm chuyên dụng cho thiết kế, đồ họa của Autodesk như AutoCAD; các phần mềm của Adobe như Acrobat, Photoshop; các phần mềm của Symantec như Antivirus và nhiều phần mềm khác. Theo ước tính của các chủ sở hữu thì số lượng phần mềm vi phạm có giá trị lên tới gần 7 tỷ đồng.


Cụ thể, Công ty TNHH Máy tính Hà Nội, Đoàn Thanh tra đã kiểm tra 16 máy tính đang hoạt động; 45 CPU và tìm thấy 60 phần mềm văn phòng chủ yếu của Microsoft (Window 7, Microsoft Office) được doanh nghiệp này cài bất hợp pháp trong các CPU để bán cho khách hàng. Tương tự, tại Công ty TNHH Mua sắm Đệ Nhất Phan Khang, Thanh tra liên ngành đã tìm thấy 86 phần mềm văn phòng của Microsoft như Window XP, Office (2003, 2007), Window 7 không có bản quyền được cài đặt trong 49 máy tính. "Động thái của đoàn Thanh tra liên ngành lần này nhằm một lần nữa khẳng định: Không chỉ doanh nghiệp sử dụng phần mềm mà các đơn vị cung cấp phần mềm đều nằm trong diện thanh tra đột xuất của Chính phủ. Hành vi hỗ trợ cài phần mềm không có bản quyền sẵn vào máy tính khi bán cho khách hàng của các doanh nghiệp kinh doanh máy tính là sự tiếp tay cho nạn sử dụng phần mềm lậu và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các nhà cung cấp máy tính nghiêm khắc tuân thủ luật", đại diện đoàn thanh tra cho biết.


Trước đó, hàng loạt các cuộc thanh tra đã được Thanh tra Bộ VH,TT&DL, C50 và Lực lượng Công an kinh tế địa phương tiến hành tại 10 doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp lớn trên toàn quốc từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương và Long An. Theo thông tin từ lực lượng thanh tra liên ngành cho biết: Trong số 10 doanh nghiệp được kiểm tra, có 2 doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc, còn lại 8 doanh nghiệp vi phạm với số lượng phần mềm bất hợp pháp khác nhau. "Trong số các doanh nghiệp được thanh tra trong đợt này, có những doanh nghiệp có qui mô sản xuất lớn với số lượng công nhân rất đông, sản phẩm của các doanh nghiệp này được xuất khẩu sang nhiều thị trường quốc tế. Điều đáng nói là các doanh nghiệp này đều nắm rõ Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) nhưng vẫn cố tình vi phạm để tăng lợi nhuận phi pháp cho doanh nghiệp mình", đại diện đoàn thanh tra cho biết.
Trên thực tế, Quyền tác giả trong lĩnh vực phần mềm máy tính đã được quy định nghiêm khắc trong luật pháp Việt Nam. Theo đó, hành vi sử dụng phần mềm bất hợp pháp của các doanh nghiệp có thể đối mặt với tội hình sự và các hình thức xử phạt của pháp luật. Ngoài ra, người sở hữu tác quyền cũng được quyền sử dụng các biện pháp khác để xử lý việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, như tiến hành khiếu tố tại tòa án có thẩm quyền theo Điều 198.1d, Luật SHTT, hoặc yêu cầu tòa án buộc người vi phạm phải ngừng hành động vi phạm, chính thức xin lỗi và có biện pháp khắc phục, yêu cầu người vi phạm bồi thường thiệt hại, kể cả thiệt hại vật chất, cũng như trả án phí theo các Điều 202, 204, 205, Luật SHTT.


"Đảm bảo tính nghiêm khắc của luật, từ năm 2012, Chương trình Hợp tác bảo vệ quyền tác giả máy tính gồm Cục bản quyền tác giả; Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Liên minh phần mềm doanh nghiệp BSA cũng đã có một số hoạt động như gặp gỡ với hàng trăm doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam để cập nhật những điều luật mới nhất liên quan đến bản quyền phần mềm của Việt Nam, cũng như trao Giấy ghi nhận đã thực hiện Luật SHTT về nghĩa vụ sử dụng quyền tác giả đối với chương trình máy tính cho các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc. Ngoài ra, các nhà sản xuất phần mềm cũng đưa ra những chương trình tư vấn để các doanh nghiệp đầu cuối có thể sử dụng phần mềm hiệu quả và tiết kiệm. Mặc dù vậy, một số các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh như Công ty TNHH RK Resources có trụ sở tại huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương và Công ty TNHH Diamond Việt Nam có trụ sở tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, tỉnh Bình Dương, vẫn cố tình vi phạm, đi ngược lại với chủ trương của Chính phủ Việt Nam là tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh cho tất cả các doanh nghiệp", đại diện Cục Bản quyền tác giả cho biết.


A.M

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN