Theo phóng viên TTXVN tại Italy, ngày 20/4, Tổng thống đương nhiệm Italia Giorgio Napolitano, 87 tuổi, đã được
các nghị sĩ quốc hội nước này bầu lại làm tổng thống nhiệm kỳ thứ hai
nhằm chấm dứt tình thế bế tắc chính trị kéo dài bấy lâu nay.
Tổng thống Giorgio Napolitano. Ảnh: Internet |
Kết quả kiểm phiếu trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống lần thứ sáu của 1.007 nghị sĩ và đại diện vùng của Italy cho thấy ông Napolitano, lẽ ra sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 15/5 tới, đã giành được đa số phiếu áp đảo, vượt xa mức 504 phiếu cần thiết để giành thắng lợi.
Chỉ có các đại biểu thuộc đảng Phong trào 5 Sao (M5S), đảng Tự do, sinh thái và cánh tả (SEL) và đảng Những người anh em Italy không ủng hộ vị tổng thống đương nhiệm này.
Việc Tổng thống Napolitano chấp nhận ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai và tái đắc cử, một điều chưa từng có tiền lệ, diễn ra sau những lời kêu gọi của Thủ tướng tạm quyền Mario Monti, lãnh đạo phe trung hữu - cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và lãnh đạo phe trung tả Pier Luigi Bersani. Vị Tổng thống đương nhiệm này lâu nay được coi là hoàn toàn nằm ngoài cuộc xung đột, chia rẽ chính trị giữa các đảng phái và được hầu hết các phe phái đối địch nhau ở Italy tôn trọng.
Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao (M5S) Beppe Grillo, đảng giành được khoảng 1/4 số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 vừa qua, đã kêu gọi tập hợp dân chúng xuống đường để phản đối lại cái mà ông ta cho là “thỏa thuận giữa những chính trị gia truyền thống đang ham muốn quyền lực”. Trong 6 cuộc bỏ phiếu tại quốc hội vừa qua, M5S ủng hộ học giả Stefano Rodota, 79 tuổi, làm tổng thống nhưng ứng cử viên này của M5S đã không giành được số phiếu như mong muốn.
Italy rơi vào tình trạng bế tắc chính trị kể từ cuộc tổng tuyển cử hồi tháng hai mà không có một chính đảng nào giành được thắng lợi rõ ràng. Mặc dù liên minh trung tả dẫn đầu là đảng PD giành được nhiều phiếu bầu nhất, nhưng liên minh này không giành đủ số ghế để có thể tự đứng ra thành lập một chính phủ. Đảng PD lâu nay luôn từ chối thành lập một đại liên minh với phe trung hữu của cựu Thủ tướng Berlusconi trong khi đảng M5S thì lại bác bỏ khả năng liên minh với bất kỳ chính đảng nào.
Tổng thống Italy, về mặt truyền thống chỉ mang tính nghi thức, hiện đóng vai trò rất quan trọng, như là một trung gian hòa giải giữa các đảng phái và có thể môi giới để thành lập một chính phủ liên minh. Ngoài ra, theo luật định, chỉ có tổng thống mới có thể bổ nhiệm thủ tướng cũng như phê chuẩn nội các.
TTXVN/Tin tức