Phát triển thủy lợi ở Tây Nguyên

Nước là nhu cầu thiết yếu

Các tỉnh vùng Tây Nguyên trong những năm qua được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi. Nhờ đó, hệ thống kênh mương dẫn nước đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Hiện trạng

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, vùng Tây Nguyên nằm ở độ cao từ 250 - 2.500 mét so với mực nước biển. Đây cũng là vùng đầu nguồn của hầu hết các sông, suối ở miền Trung và Đông Nam Bộ, đáng chú ý nhất là hệ thống sông Sê San, Đồng Nai, Sông Ba, Sêrêpốk. Lưu lượng dòng chảy hàng năm trung bình khoảng 49,87 tỷ m3; trong đó, hệ thống sông Sê San - Sêrêpốk là 27,38 tỷ m3, Sông Ba 7,6 tỷ m3, sông Đồng Nai là 9,36 tỷ m3 và hệ thống các sông nhỏ đầu nguồn như Thu Bồn, Trà Khúc, Sông Hinh, Sê Bang Hiêng là 5,53 tỷ m3. Mô đun dòng chảy khoảng 30 lít/giây. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa thì thừa nước nhưng mùa khô lại khô hạn nghiêm trọng. Vì vậy, muốn sản xuất phát triển bền vững, nhất thiết phải giải quyết nhu cầu về nước, phải đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước.

Không hiếm những công trình thủy lợi vùng Tây Nguyên thiếu nước vào mùa khô. Ảnh: Viết Tôn

 

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các tỉnh trong vùng đã đầu tư xây dựng được trên 2.261 công trình thủy lợi, trong đó có 1.150 hồ chứa, 942 đập dâng, 114 trạm bơm… Các công trình hồ chứa ở Tây Nguyên phần lớn là vừa và nhỏ với tổng dung tích trữ là 1,12 tỷ m3, trong đó, tổng dung tích hữu ích là 1,02 tỷ m3. Công trình tiêu úng trong vùng hầu như chưa có gì ngoài kênh tiêu tự chảy là phổ biến. Những nơi diện tích lúa, hoa màu, cà phê chủ động được nguồn nước, năng suất đều tăng gấp 2-3 lần so với diện tích không được tưới nước. Cụ thể, ở những diện tích lúa chủ động được nguồn nước tưới đều đạt năng suất 49-50 tạ/ha/vụ; trong khi đó, nơi không chủ động được nguồn nước, năng suất chỉ đạt 10-15 tạ/ha. Với cây cà phê cũng vậy, ở những nơi đủ nước tưới năng suất đạt 3-4 tấn cà phê nhân/ha/niên vụ, trong khi những nơi không đủ nước tưới chỉ đạt 0,5-0,8 tạ cà phê nhân/ha/niên vụ. Nhờ có tác động của các công trình thủy lợi mà sản lượng lương thực toàn vùng Tây Nguyên đạt gần 2,5 triệu tấn, bình quân lương thực đầu người đạt trên 455,3 kg/người/năm.


Theo lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đắk Lắk chỉ có vài công trình thủy lợi nhỏ, tưới cho 200 ha lúa nước. Đến nay, Đắk Lắk đã có trên 705 công trình thủy lợi, gồm 540 hồ chứa, 83 đập dâng, 81 trạm bơm… đảm bảo tưới ổn định cho 221.500 ha cây trồng các loại, đạt gần 75% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới nước, góp phần đưa năng suất đạt 1,175 triệu tấn lương thực và trên 450.000 tấn cà phê nhân xuất khẩu. Đây cũng là địa phương có các công trình thủy lợi đảm bảo nguồn nước tưới cho các loại cây trồng và đạt năng suất, sản lượng thóc, cà phê nhân nhiều nhất so với các địa phương khác ở vùng Tây Nguyên.

Còn nhiều tồn tại

Ở Tây Nguyên do địa hình miền núi bị chia cắt nên nhiều cánh đồng nhỏ manh mún, lại nằm ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Các công trình thủy lợi nhỏ như hồ, đập, trạm bơm, kênh mương đã giải quyết được phần nào nhu cầu nước sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào dân tộc. Những công trình thủy lợi nhỏ đã chủ động được nước tưới cho hàng chục ha lúa nước, góp phần xóa đói giảm nghèo cho từng thôn, bon, làng, buôn, hoặc một cụm dân cư. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phát triển thủy lợi ở Tây Nguyên đã làm thay đổi nhiều vùng đất hoang hóa thành đồng ruộng trù phú, góp phần điều hòa khí hậu trong vùng. Điều đó đặc biệt có ý nghĩa vào mùa khô. Khi đó, ở những nơi có hồ chứa, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tốt. Thủy lợi còn làm cho bộ mặt nông thôn thay đổi do có cơ sở hạ tầng phát triển, các khu dân cư khang trang hơn; giao thông, văn hóa, y tế, giáo dục được mở mang… Do vậy, việc phát triển các công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở Tây Nguyên là bước đi thích hợp, cần thiết nhằm vừa đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ thâm canh cây trồng, đồng thời vừa đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho các khu công nghiệp, đô thị, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc, ổn định chính trị xã hội và giữ vững an ninh quốc phòng.

Cũng theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phần lớn các công trình thủy lợi được xây dựng ở Tây Nguyên đều là các công trình vừa và nhỏ, không có khả năng điều tiết, diện tích tưới chỉ đáp ứng được từ 10-100 ha. Chỉ có một số hồ chứa quy mô lớn như Ayun hạ (tưới 13.500 ha), Biển Hồ (tưới 2.300 ha), Ea Súp thượng (tưới 9.000 ha). Quy mô đáp ứng tưới lớn từ 500-3.000 ha cà phê có hồ Ea Kao, Krông Búk hạ, đập Buôn Triết, Krông Kna, Ea Nhái (Đắk Lắk)… Việc kiên cố hóa hệ thống kênh mương cho các công trình thủy lợi trên địa bàn vẫn còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ thâm canh các loại cây trồng. Hầu hết các công trình thủy lợi đưa vào khai thác, sử dụng đã quá lâu (từ 25 năm trở lên), trong khi đó lại thiếu nguồn vốn đầu tư tu bổ, nâng cấp, sửa chữa, công tác quản lý còn nhiều bất cập nên xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều công trình thủy lợi xây dựng từ những năm 1980 trở về trước do nhiều yếu tố khách quan nên khi xây dựng chưa đúng chỉ tiêu thiết kế, quy hoạch đề ra. Các công trình ở các vùng sâu, vùng xa lại không đồng bộ, hệ thống kênh mương bị bồi lấp, nhiều trạm bơm đã hết hạn sử dụng, không có thiết bị thay thế…

Công tác quản lý, khai thác, duy tu bảo dưỡng công trình chưa được thực hiện thường xuyên, năng lực cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật còn hạn chế, chưa chú trọng đến công tác đào tạo nâng cao năng lực, huy động sự tham gia quản lý của người dân. Công tác quản lý kỹ thuật, thiết kế chưa chặt chẽ, đặc biệt là chất lượng thi công công trình chưa được đảm bảo, nhiều hồ chứa bị thấm nghiêm trọng, đất đắp chưa đạt tiêu chuẩn, vật liệu đắp đập, chất lượng thi công không đảm bảo. Công tác quy hoạch trong thời gian dài chưa được chú trọng… nên hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn Tây Nguyên chưa phát huy hết năng lực thiết kế, phục vụ thâm canh cây trồng.
 

Hiện nay, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã gieo trồng được gần 1,9 triệu ha cây trồng các loại, trong đó có 896.661 ha cây hàng năm, diện tích còn lại là cây lâu năm. Trong khi đó, các công trình thủy lợi chỉ đảm bảo tưới được 202.166 ha/268.987 ha diện tích tưới thiết kế, nguồn nước của các công trình thủy lợi chỉ chủ động tưới được 72.801 ha lúa, 16.598 ha rau màu và 112.627 ha cà phê.


Quang Huy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN