Nông dân đồng bằng sông Cửu Long: Một năm được mùa, được giá

“Năm nay, nông dân tụi tôi thắng lớn. Mỗi hộ dân chỉ cần sản xuất 1ha lúa thì đã có lãi khoảng 50 triệu đồng. Anh thấy đấy, mấy bà, mấy cô vàng đeo “đỏ” tay, nhà tường mới mọc lên cũng nhiều. Nhờ lúa đấy!” - anh Nguyễn Thành Phụng ở huyện Châu Thành (Đồng Tháp) “khoe”. Quả thật như anh nói, mặc dù năm nay lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng người dân ai nấy đều vui mừng, phấn khởi vì có được một năm được mùa, được giá trọn vẹn.

Niềm vui được mùa được giá

Những ngày giữa tháng 12, nông dân vùng ngập lũ ĐBSCL lại nhộn nhịp chuẩn bị cho một mùa vụ mới - vụ đông xuân. Mặc dù nước lũ vẫn còn nhưng người dân đã ra đồng làm đất, bơm nước để chuẩn bị xuống giống cho kịp vụ mùa. Anh Nguyễn Thanh Nhàn – Bí thư chi bộ ấp 5, xã Phương Thịnh (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) cho biết: “Giữa tháng 11, khi nước lũ bắt đầu rút, những nơi có đê bao lửng thì khi nước vừa qua khỏi mặt đê bà con đã tập trung dùng máy bơm để thoát nước, tổ chức gieo sạ sớm. Riêng những vùng không có đê bao thì phải chờ nước lũ rút hẳn mới bắt đầu làm đất, gieo sạ được. Nhìn chung mùa vụ năm nay bà con đều trúng lúa cả. Bình quân 1 ha lúa người dân cũng lãi được khoảng 20 triệu đồng/vụ nếu chỉ làm lúa thường, chứ lúa chất lượng cao thì lãi từ 25-30 triệu đồng/vụ. Tôi thấy quyết sách của Nhà nước đưa ra là phải làm sao người dân lãi 30% khiến tụi tôi rất ủng hộ. Có như vậy thì nông dân mới nỗ lực sản xuất tốt được”.

Thu hoạch lúa đông xuân 2011 tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.


Cũng nằm trong vùng ngập lũ, nhưng trong khi một bộ phận người dân đang chuẩn bị xuống giống thì vùng khác lại đang thu hoạch lúa. Đó là những diện tích lúa vụ ba (còn gọi là vụ thu đông) nằm trong vùng đê bao chống lũ. Mặc dù năm nay lũ lớn, tương đương mức lũ kỉ lục năm 2000, nhưng người dân ĐBSCL đã chống chọi lại cơn lũ lớn để bảo vệ hàng trăm ngàn ha diện tích lúa vừa gieo sạ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, vụ thu đông năm nay nông dân trong tỉnh đã xuống giống và bảo vệ thành công trên 125.000 ha, năng suất đạt 5,9 tấn/ha. Ông Đỗ Vũ Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, nhận định: “Việc sản xuất lúa vụ thu đông có ý nghĩa rất lớn trong tình hình chống lạm phát kinh tế, đảm bảo tốt chính sách an sinh xã hội và góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước”. Còn theo ông Lê Văn Nưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, lợi nhuận vụ thu đông của toàn tỉnh khoảng 2.200 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Kiên Giang, mặc dù tỉnh đưa ra kế hoạch xuống giống khoảng 36.000 ha, nhưng người dân đã gieo trồng lên tới 53.128 ha, tăng hơn 17.128 ha. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, bình quân năng suất vụ này khoảng 4,5 tấn/ha, cho sản lượng khoảng 230.000 tấn.

PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Vụ thu đông, toàn vùng ĐBSCL xuống giống được 671.763 ha, vượt hơn 168.000 ha theo kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2010 là 160.000 ha; sản lượng ước đạt 3,3 triệu tấn, tăng 930.000 tấn so với vụ thu đông 2010. Trong khi đó, theo kết quả điều tra của Viện Lúa ĐBSCL tại 4 tỉnh, thành có diện tích canh tác lúa thu đông lớn nhất cho thấy có tới 91% hộ có lời, chỉ 1% thua lỗ và 8% hòa vốn (do tự phát, mới làm lần đầu và nằm ngoài đê bao) và mức lãi trung bình khoảng 11 triệu đồng/ha/vụ. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đánh giá: Việc sản xuất lúa thu đông là hướng đi đúng và nông dân cũng đã thắng đậm ở vụ lúa này. Từ thắng lợi bước đầu, Cục Trồng trọt cũng đã đưa ra đề xuất phát triển lúa thu đông tại ĐBSCL ở mức 600.000 - 700.000 ha và là vụ lúa chính trong năm. Tuy nhiên, Cục cũng khuyến cáo chỉ nên sản xuất 2 năm liên tục, sau đó ngưng một vụ để xả nước lũ vào nhằm đảm bảo đất không bạc màu.

Hòa trong niềm vui được mùa lúa mới, người dân ĐBSCL lại vui với niềm vui được giá. Anh Nhàn nói: “Chưa năm nào mà tôi thấy giá lúa lại có lợi cho nông dân như năm nay. Được mùa, lại được giá thì còn niềm vui nào bằng”. Đúng như anh Nhàn nói, quy luật “được mùa, rớt giá” năm nay không “ứng” với người trồng lúa vùng ĐBSCL khi mà vào thời điểm thu hoạch rộ thì giá lúa vẫn tăng. Hiện ở vụ thu đông này, thương lái mua lúa tươi tại ruộng với giá 6.200 - 6.300 đồng/kg. Trong khi lúa được phơi khô có mức giá từ 7.300 đồng/kg đến 7.500 đồng/kg. Đó là đối với lúa thường, lúa chất lượng cao thì có giá từ 7.500 đồng/kg đến khoảng 9.000 đồng/kg. Theo nhận định của người dân, dù giá cả vật tư nông nghiệp có tăng, nhưng sau khi trừ tất cả chi phí bình quân mỗi ha lúa nông dân còn lãi trên 30% với mức lãi nhiều từ 15 đến 25 triệu đồng/ha. Nhiều nông dân cho biết năm nay sẽ ăn Tết lớn vì thắng đậm vụ ba. Ngoài ra, việc sản xuất lúa vụ ba trong mùa lũ đã giúp không ít người nghèo có việc làm, ổn định đời sống.

Mô hình mới, thắng lợi mới

Có thể nói, mô hình cánh đồng mẫu lớn được đưa vào thử nghiệm trong vụ hè thu 2011 đã phát huy tác dụng một cách bất ngờ. Tại Bạc Liêu, mô hình cánh đồng mẫu lớn tại huyện Phước Long đã cho kết quả đạt từ 70-100 triệu đồng/ha/vụ, tại huyện Vĩnh Lợi thì mô hình này cũng giúp người trồng tăng thu nhập thêm từ 3 - 5 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, mô hình cánh đồng mẫu lớn đầu tiên của tỉnh Trà Vinh tại xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, có 302 nông hộ tham gia với diện tích 300 ha cũng đạt hiệu quả ngoài mong đợi. Theo tính toán, chi phí sản xuất vụ này chưa tới 2.100 đồng/kg, thấp hơn bên ngoài gần 900 đồng/kg, trong khi đó năng suất đạt 7,5 tấn/ha, giúp thu nhập bà con được tăng thêm 20-30%. Còn tại An Giang, mô hình cánh đồng mẫu lớn tại xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, đạt năng suất 8 - 9 tấn/ha. Với giá bán từ 6.300 - 6.700 đồng/kg, gần 500 hộ dân tham gia đạt mức lợi nhuận cao hơn 150% so với các hộ sản xuất nhỏ lẻ. Trong khi đó, 3 mô hình này được thực hiện ở Long An cũng thắng lớn với năng suất bình quân từ 7 - 7,5 tấn/ha (tăng 1- 1,34 tạ/ha), chi phí giảm từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha và lợi nhuận bình quân từ 18-20 triệu đồng/ha, tăng 4-5 lần so với sản xuất ngoài mô hình.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu, Tây Ninh, Trà Vinh, tổng lợi nhuận bình quân trên 1 ha đạt trên 15 triệu đồng, lợi nhuận tăng thêm so với ngoài mô hình trên 2,2 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Cường (xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) có 1 ha đất lúa tham gia cánh đồng mẫu lớn cùng Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS), phấn khởi nói: “Hiệu quả đem lại rất cao. Quan trọng nhất là nông dân quyết định được đầu ra của hạt lúa. Công ty cho ứng trước giống xác nhận, phân bón, nông dược và cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ quy trình sản xuất. Chúng tôi được lợi 3 vấn đề: Chi phí sản xuất giảm khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ từ việc bớt lần phun thuốc, giống, công lao động. Tiếp cận quy trình sản xuất mang tính bền vững, kỹ thuật cao. Đặc biệt là xóa điệp khúc trúng mùa rớt giá. Hiện nông dân thấy lúa có giá thì bán, nếu không thì lưu kho miễn phí”.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, chỉ mới phát động trong vụ lúa đông xuân và hè thu vừa qua, có 12/13 tỉnh, thành ở ĐBSCL với hơn 6.400 hộ tham gia mô hình cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 8.200 ha. Lợi nhuận tăng thêm từ mô hình cánh đồng mẫu lớn trong vụ hè thu 2011 so với ngoài mô hình cao nhất là tỉnh Trà Vinh từ 7 - 7,5 triệu đồng/ha, Cần Thơ từ 2,3 - 2,5 triệu đồng/ha, Long An từ 2,5 - 3 triệu đồng/ha, Tây Ninh từ 2,2 - 2,4 triệu đồng/ha. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt phấn khởi: “Kết quả bước đầu như thế là rất tốt. Quan trọng nhất là mô hình được sự đồng thuận của bà con nông dân. Các doanh nghiệp như: AGPPS, Công ty Phân bón Bình Điền, Công ty Gentraco, Angimex... mạnh dạn đầu tư với lãi suất 0%, chủ yếu hướng đến lợi nhuận cho bà con nông dân.

Theo tiến sĩ Lê Văn Bảnh – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, để nâng cao chất lượng gạo và xây dựng một thương hiệu mạnh đối với gạo Việt Nam, cần phải thay đổi tập quán canh tác lúa truyền thống. Sự phát triển của mô hình cánh đồng mẫu lớn sẽ giúp ĐBSCL đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao, từ đó có thể dễ dàng phát triển thương hiệu gạo cho Việt Nam. Hiện Việt Nam có nhiều giống lúa tốt, nhưng chỉ bán gạo thường trên thị trường thế giới. Quy mô sản xuất nhỏ dễ thất bại, đồng thời chất lượng gạo không đồng đều là điểm yếu của ngành nông nghiệp. Theo ông, nông dân cần được hướng dẫn để trồng lúa dựa trên tiêu chuẩn Viet GAP (Thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam) và các tiêu chuẩn Global GAP (Thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn toàn cầu).

Cũng theo Cục Trồng trọt, mục tiêu của ngành nông nghiệp là mở rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn để tiến tới vùng nguyên liệu lúa xuất khẩu đạt 1.000.000 ha. Trước mắt, trong vụ đông xuân 2011-2012, diện tích cánh đồng mẫu lớn đạt 20.000 ha trong toàn vùng (trung bình mỗi tỉnh 500 - 1.000 ha). Trong năm 2012, diện tích này sẽ tăng lên từ 40.000 - 80.000 ha trong toàn vùng (trung bình mỗi tỉnh 3.000 - 10.000 ha) và đến năm 2013, diện tích này sẽ đạt 100.000 - 200.000 ha trong toàn vùng (trung bình mỗi tỉnh 10.000 - 20.000 ha).
TT

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN