Những chứng nhân lịch sử - Bài cuối:

Nơi lưu giữ những ký ức không thể nào quên

Có những khoảng ký ức không thể nào quên, có những bằng chứng lịch sử không thể mất đi. Bảo tàng Phòng không - Không quân Hà Nội và Bảo tàng Chiến thắng B52 là 2 trong số những nơi lưu giữ một phần ký ức của những ngày tháng hào hùng làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" của 40 năm xưa bằng hiện vật.

 

Các em học sinh trường Ngọc Hà học tập bên hồ B52.


Nếu gặp một sinh viên ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi, những người sinh ra rất lâu sau chiến tranh, những gì họ biết về những ngày tháng oanh liệt xưa chắc chỉ có trong sách vở. Nếu gặp một người bạn nước ngoài, những gì tôi kể về Hà Nội cũng sẽ có “lối nhỏ, phố nhỏ”, Hồ Gươm xanh thắm... Nhưng còn cả một Hà Nội hào hùng của trận chiến suốt 12 ngày đêm mà tôi muốn cho họ biết đang hiện hữu tại hai bảo tàng lớn của Hà Nội.


“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" hiển hiện ở Bảo tàng Chiến thắng B52 (157 Đội Cấn, Hà Nội) là xác chiếc máy bay B52 bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội nằm chiếm gần hết khoảng sân rộng như bằng chứng cho sự thất bại của đế quốc Mỹ trong trận chiến 12 ngày đêm năm 1972. Ngay trước cửa bảo tàng, Đài điều khiển tên lửa Sam - 2 đã từng “vít cổ” pháo đài bay B52 xuống hồ Hữu Tiệp (phường Ngọc Hà, Hà Nội) vẫn kiêu hãnh hướng lên bầu trời Thủ đô. Thượng tá Vũ Chí Công, Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng B52 cho biết, bảo tàng hiện lưu giữ hơn 9.000 hiện vật, tài liệu, hình ảnh chủ yếu là về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" năm 1972.


 

Xác máy bay B52 tại Bảo tàng chiến thắng B52.

 

“Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" còn là hình ảnh của những người anh hùng như anh bộ đội tên lửa bắn rơi máy bay B52; hình ảnh không quân nhân dân Việt Nam sẵn sàng cất cánh chiến đấu bảo vệ Thủ đô; bà Phạm Thị Viễn đầu chít khăn tang vẫn ra trận địa bắn rơi máy bay F11 và hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà. Hay như cảnh đau thương tại khu phố Khâm Thiên, Bệnh viện Bạch Mai khi bị bom B52 hủy diệt... đang được lưu giữ tại bảo tàng là những chứng tích lịch sử của một thời điểm đầy cam go quyết liệt, hy sinh to lớn.


Nằm trong phạm vi quản lý của Bảo tàng Chiến thắng B52 và nằm trong tổng thể các di tích của trận chiến "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", di tích lịch sử hồ Hữu Tiệp, nơi mà đêm 27/12/1972, một chiếc B52 của Mỹ đã bị quân và dân Hà Nội bắn hạ và một phần của chiếc máy bay đó rơi xuống hồ cũng đã được cải tạo lại để phục vụ du khách tham quan.


Còn tại Bảo tàng Phòng không - Không quân (171 đường Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng trưng bày những hiện vật quý như minh chứng cho chiến thắng của quân và dân miền Bắc, đặc biệt là dân và quân thủ đô Hà Nội đã đánh bại cuộc tập kích của không quân chiến lược Mỹ tại miền Bắc và thủ đô Hà Nội tháng 12/1972.


Đại tá Nguyễn Hữu Đạc cho biết: “Ở bảo tàng có nhiều hiện vật rất quý, từ máy bay Mig 21 bắn rơi B52, pháo phòng không hay còn gọi là pháo cao xạ 100 mm, bệ tên lửa và cả những loại tên lửa bắn rơi B52 trong 12 ngày đêm, những loại rađa đã bắt được mục tiêu B52 thông báo về cho Bộ Tổng tư lệnh, Sở chỉ huy quân chủng và nhân dân Thủ đô Hà Nội sớm 35 phút để chúng ta kịp chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, kịp để nhân dân Thủ đô Hà Nội xuống hầm trú ẩn.


Và trong những ngày sau đó, bằng những loại vũ khí được trưng bày tại đây, chúng ta đã đánh thắng cuộc tập kích 12 ngày đêm của không quân chiến lược Mỹ.” Những hiện vật này thể hiện lòng dũng cảm, trí tuệ của quân và dân Việt Nam, tài thao lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Tổng tư lệnh mà lực lượng nòng cốt là bộ đội phòng không không quân, đã đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 này.


12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 là một dấu mốc đáng nhớ. Quá khứ về chiến tranh, bom đạn tuy đau thương, mất mát nhưng lớn lao hơn là lòng tự hào, sự quật cường vươn lên của những thế hệ người Việt Nam. Đến với Bảo tàng Phòng không - Không quân như một sự trở về với quá khứ, bạn Lô Thị Linh, quê Sơn La, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, chia sẻ cảm xúc: “Mỗi hiện vật mang trong mình lịch sử của một quá khứ quật cường và chiến thắng càng cho tôi thấy sự hy sinh to lớn của cha ông đi trước để làm nên một Hà Nội - thành phố vì hòa bình hôm nay. Nhưng không chỉ có vũ khí, đạn bom, trong 12 ngày đêm ấy, tôi còn thấy những bức ảnh về người chiến sỹ, về những người dân thành phố trong nụ cười rạng rỡ, tràn đầy tình yêu thành phố và niềm tin chiến thắng”.


Bác Nguyễn Thế Minh - cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ, đến tham quan bảo tàng, đứng trước những hiện vật oanh liệt một thời đã bày tỏ: “Hà Nội 12 ngày đêm luôn sống trong ký ức những người con Hà Nội xưa như chúng tôi. Những hiện vật trong bảo tàng sẽ là cầu nối giúp thế hệ con cháu hiểu về một phần lịch sử và thêm tự hào về thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên. Chỉ có sức mạnh toàn dân tộc, tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường mới có thể chiến thắng những vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại của đế quốc Mỹ.”


Trung bình mỗi năm có hơn 10 vạn khách đến tham quan bảo tàng Chiến thắng B52. Càng gần đến ngày Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" càng có nhiều tổ chức, cá nhân đến đăng ký tham quan bảo tàng. Với khuôn viên rộng, các hiện vật phong phú, được giữ gìn cẩn thận, Bảo tàng Phòng không - Không quân Hà Nội cũng là điểm đến quen thuộc của nhiều gia đình người dân Hà Nội mỗi cuối tuần. Tự hào về Hà Nội, tự hào về chiến thắng 12 ngày đêm, những gì các bảo tàng lịch sử đã và đang làm được là đưa những ký ức không thể nào quên về tầm vóc lớn lao của chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” ấy sống mãi với thời gian.



Bài và ảnh: Lê Sơn

Những chứng nhân lịch sử - “Hồ B52” - Nơi lũy thép làng hoa
Những chứng nhân lịch sử - “Hồ B52” - Nơi lũy thép làng hoa

Đêm 27/12/1972, một chiếc máy bay B52 của Mỹ bị quân và dân Hà Nội bắn hạ, rơi xuống hồ Hữu Tiệp, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN