Mặc dù đã và đang đạt được những kết quả tích cực, Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) với các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu (ảnh) xung quanh vấn đề này.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu |
´Xin Thứ trưởng đánh giá về tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013?
Tôi cho rằng tình hình đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm 2013 đã đạt được những kết quả tích cực, giải ngân của các dự án FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2012; vốn đăng ký đạt 10,47 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn của chúng ta trong năm nay.
Ngay từ cuối năm 2012 Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 07/12/2012 về việc loại bỏ những rào cản và hoàn thiện cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, các bộ, ngành và địa phương cũng đã nỗ lực hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư.
Về phía các nhà đầu tư, con số giải ngân tích cực nêu trên cho thấy rằng các nhà đầu tư đã có những nhìn nhận và nhận định tích cực về triển vọng đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới nên đã mạnh dạn giải ngân vốn để triển khai các dự án đầu tư mặc dù bối cảnh kinh tế chung vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là một tín hiệu rất tích cực và chúng ta cần phải tiếp tục nỗ lực để đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nhằm thúc đẩy hơn nữa vốn giải ngân trong thời gian tới.
´Hiện nay, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Mianma, Inđônêxia… Theo Thứ trưởng, đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến tình hình thu hút FDI vào Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại?
Đúng như vậy. Hiện cạnh tranh trong thu hút ĐTNN đang diễn ra rất gay gắt giữa các quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Đối với Việt Nam chúng ta đang phải cạnh tranh trực tiếp với một số quốc gia trong khu vực như: Inđônêxia, Thái Lan, Mianma. Theo quan điểm của tôi thì cạnh tranh là một xu hướng tất yếu. Xét về một khía cạnh nào đó thì cạnh tranh có tác động tích cực đối với Việt Nam bởi vì thông qua cạnh tranh sẽ tạo động lực lớn cho chúng ta cải thiện luật pháp, chính sách và môi trường đầu tư. Qua đó, chúng ta sẽ có một môi trường đầu tư lành mạnh hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp cũng sẽ hoạt động hiệu quả hơn và phát triển bền vững hơn.
Về nhận định cạnh tranh là một trong những lý do khiến thu hút ĐTNN vào Việt Nam có xu hướng tăng chậm lại thì tôi đồng tình với nhận định này. Tuy nhiên, ở đây chỉ thể hiện nguồn vốn đăng ký, còn vốn đầu tư thực hiện thì vẫn được duy trì đều ở mức 10,5-11 tỷ USD trong những năm qua. Điều này thể hiện rằng, môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn ổn định, các nhà đầu tư vẫn tin tưởng và lạc quan về môi trường đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng ta bằng lòng với chính mình mà chúng ta tiếp tục phải nỗ lực, cố gắng để cải thiện môi trường đầu tư hơn nữa nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Nếu chúng ta không làm được điều đó thì Việt Nam sẽ tụt hậu so với các nước trong khu vực và thu hút ĐTNN sẽ suy giảm trong các năm tới.
´Vậy theo Thứ trưởng, định hướng thu hút FDI của Việt Nam cần những yếu tố gì để Việt Nam vừa duy trì mức độ hấp dẫn từ môi trường đầu tư, vừa thu hút được những dự án có chất lượng?
Định hướng thu hút ĐTNN của Việt Nam trong thời gian tới là thu hút đầu tư có chọn lọc. Chúng ta chỉ thu hút những dự án có chất lượng, công nghệ cao, không ô nhiễm môi trường, các dự án trong ngành, lĩnh vực mà chúng ta đang cần phát triển như công nghệ hỗ trợ, công nghệ chế biến, chế tạo, nông nghiệp… Để vừa duy trì mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư, vừa chọn lọc được những dự án có chất lượng, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, đó là: hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút ĐTNN giai đoạn 2011-2020, đảm bảo tính hấp dẫn cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó cần tháo gỡ những nút thắt hiện nay trong thu hút ĐTNN đó là cải cách thể chế, cải thiện cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ; đồng thời, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương và địa phương trong việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để hỗ trợ thúc đẩy giải ngân nhanh vốn đầu tư.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tăng cường công tác thẩm định giấy chứng nhận đầu tư nhất là các dự án lớn theo hướng chú trọng xem xét, đánh giá về khả năng huy động vốn, có chế tài hoặc yêu cầu các nhà đầu tư đặt cọc để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ triển khai dự án đúng tiến độ.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Thúy Hiền (thực hiện)