Tiếp tục chương trình công tác tại một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, ngày 17/7, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và đoàn công tác của Trung ương, thành viên của Ban Chỉ đạo đã thăm và làm việc tại tỉnh Ninh Bình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gặp gỡ nhân dân xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN |
Sau khi đi thị sát tình hình cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và đoàn công tác đã có buổi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh Ninh Bình để đánh giá và góp ý với tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) trên địa bàn.
Báo cáo tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đều khẳng định, qua 5 năm triển khai, tại Ninh Bình, thực sự Nghị quyết Trung ương 7 đã đem lại hiệu quả rõ rệt và được đông đảo nhân dân trong tỉnh đồng tình, ủng hộ và tham gia thực hiện. Không cầu toàn trong xây dựng chỉ tiêu phát triển tam nông, kinh nghiệm của Ninh Bình trong xây dựng nông thôn mới (NTM) là coi đầu tư hạ tầng nông thôn là khâu đột phá; chú trọng công tác, biện pháp huy động các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư vào nông thôn. Tuy vậy, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung Nghị định 61/CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Tán thành với báo cáo của Ninh Bình về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), các thành viên trong đoàn công tác của Trung ương đề nghị Ninh Bình tiếp tục tái cơ cấu nền nông nghiệp một cách căn cơ hơn nữa, có các giải pháp hài hòa giữa tăng sản lượng, chất lượng nông sản với nâng cao thu nhập người sản xuất một cách bền vững, hiệu quả kinh tế cao.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Ninh Bình cần căn cứ vào đặc thù địa phương để tổ chức rút kinh nghiệm, bài học thực tế qua quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 7. Tổ chức tốt việc sơ kết thực hiện Nghị quyết ở các cấp chính quyền, chú trọng tại cơ sở để có cái nhìn chi tiết, tổng quát, từ đó báo cáo và đóng góp cho Trung ương một cách cụ thể, góp phần hoàn thiện văn bản quan trọng này.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ninh Bình bắt tay vào xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết theo từng giai đoạn 5 năm, chiến lược 10 năm và tầm nhìn lâu dài nhằm khắc phục triệt để những tồn tại, bất cập hiện nay; gắn với việc khai thác lợi thế về văn hóa, du lịch, thổ nhưỡng của địa phương nhằm đem lại hiệu quả cao hơn của Nghị quyết trong thực tế.
Chủ tịch Quốc hội gợi ý, song song với tam nông, Ninh Bình cũng cần có định hướng phát triển công nghiệp một cách mạnh mẽ, có giải pháp phù hợp với lộ trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp để thúc đẩy nền sản xuất nông nghiệp đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn.
Nhấn mạnh việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có vai trò then chốt trong xây dựng NTM, Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa cho nông nghiệp, cho nông dân và nông thôn là biện pháp bền vững, hiệu quả nhất để xây dựng NTM. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ninh Bình tăng cường hiện đại hóa nông nghiệp; định hướng phát triển hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực của sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, ngư nghiệp. Rà soát, cân đối nhu cầu người dân để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn hợp lý, tránh dàn trải, rập khuôn, máy móc không hiệu quả; kết hợp với xây dựng mô hình, cách thức đào tạo phù hợp.
Quang Vũ - Anh Minh