Chính sự yêu nghề, tâm huyết để kéo đường điện đến cho đồng bào dân tộc miền núi của các anh, đã đem đến niềm tin yêu và chung sức của người dân vùng núi Bá Thước này.
Công nhân điện lực Thanh Hóa vận hành Trạm biến áp. Ảnh: evn.com.vn |
Vượt núi, kéo điện Vượt qua đoạn đường núi hơn 3km, gian khổ đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được không gì khác ngoài sự hiểm trở, gập ghềnh của những đoạn đường núi. Một bên là núi đá, một bên là bờ vực, đoạn đường hẹp chỉ đủ cho một chiếc xe qua. Nhiều đoạn đường vướng ổ voi, ổ gà, đá chông lởm chởm, dốc đứng. Hay những chỗ có cây lớn chắn ngang, chúng tôi phải xuống hỗ trợ để cùng dọn con đường phía trước.
Anh Chánh cho hay, thời tiết nơi đây rất khắc nghiệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, còn mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Vào mùa nắng nóng, đường núi còn dễ đi, có thể sử dụng phương tiện để di chuyển. Nhưng gian khổ nhất là vào mùa mưa bão, với địa hình núi non hiểm trở, nhiều đoạn sông suối, mưa bão có thể gây đổ cây, sạt lở đất bất cứ lúc nào. Anh em buộc phải đi bộ, mang theo lương khô, cơm nắm để ăn. Đường đi trơn trượt, anh em thợ điện phải để xe dưới chân núi, đi bộ mang thiết bị lên sửa chữa. Chỉ vài kilomet đường thôi, nhưng nhiều khi phải mất 1-2 tiếng mới vào đến điểm sự cố.
Gian khổ là thế, nhưng bất kể nắng nóng, khắc nghiệt, mưa bão, ngày hay đêm, bất cứ khi nào người dân nơi vùng núi này gọi báo sự cố về điện, đội quản lý điện của anh Chánh lại lập tức lên đường để sửa điện một cách nhanh nhất.
“Vì thế, đội chúng tôi thường xuyên ăn cơm, uống nước tại cột sửa chữa để giải quyết sự cố nhanh nhất, nhiều khi cùng với đồng bào dân tộc nơi đây ăn cơm lam, uống nước và nghỉ chân ngay tại suối. Vì quanh đây không có quán xá gì. Tất cả đều nhờ vào sự hỗ trợ của người dân nơi đây. Vất vả, gian khó thì nhiều lắm, nhưng vui vì được người dân hiểu và chia sẻ”, anh Chánh vui vẻ nói.
Bá Thước là huyện miền núi nằm phía Bắc Tây Bắc của tỉnh Thanh hóa, chủ yếu là dân tộc Thái, Mường và một số ít dân tộc Kinh. Đây cũng là 1 trong 11 huyện miền núi nghèo của tỉnh Thanh Hoá. Với 3/4 là đồi núi, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, cuộc sống của người dân nơi đây thực sự còn nhiều khó khăn, vất vả.
Chỉ cho chúng tôi về đường điện 3 pha mới kéo về cho Xóm 2 và Xóm 5, thôn Cả, anh Hà Văn Chánh chia sẻ, đường điện mới này sẽ giúp cung cấp điện tốt hơn cho khoảng 160 hộ dân. Không chỉ đảm nhận lắp đặt hay sửa chữa khi có sự cố mà hàng tháng, cán bộ ngành điện còn thường xuyên vào thôn, bản để kiểm tra hệ thống lưới điện, ghi chỉ số công tơ và hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Ông Phạm Minh Quang, Bí thư Chi bộ thôn Cả cho hay, thôn Cả có 253 hộ dân, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đường núi hiểm trở khó đi. “Trước đây, điện áp 1 pha không đủ cho chúng tôi sử dụng. Nhà nào nấu cơm trước thì chín trước, nhà nào nấu muộn sau thì ăn cơm sống. Nhưng thời gian qua, ngành điện đưa thêm điện 3 pha về, điện đã mạnh lắm, người dân vùng núi có thể sử dụng được cả các thiết bị đèn, quạt, tủ lạnh, tivi màu, và máy xay xát phục vụ đời sống…”.
Chung sức của người dân Chứng kiến cảnh người dân cùng với những người thợ điện hồ hởi kéo đường dây, chúng tôi mới biết, người dân nơi vùng núi yêu và thương cánh thợ điện nhường nào. Không chỉ “tiếp tế” nước trong ngày nóng, cơm lam cho những buổi sửa điện kéo dài tới tối mà bà con Bá Thước còn sắn tay vào việc.
Hàng chục người dân địa phương đã không quản ngại cái nắng nóng gần 40 độ của mùa Hè để giúp công nhân điện lực kéo dây điện, chống quá tải. Ông Phạm Minh Quang cho hay: “Trời nắng nóng, người dân thấy anh em thợ điện vất vả, nên tình nguyện giúp. Người kéo dây, người mang nước giải khát.
Cuộc sống của người dân nơi vùng núi Bá Thước đã khấm khá hơn nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện cũng ngày càng nhiều thêm. Người dân đã trang bị được quạt, tivi, tủ lạnh, nồi cơm điện, máy cắt, nghiền rau… Vì thế, ngành điện cải tạo, nâng cấp đường dây để đưa điện về “khỏe” hơn, người dân mừng lắm.
Ông Trần Ngọc Tú, Giám đốc Điện lực Bá Thước (Công ty Điện lực Thanh Hóa) cho hay, với địa hình chủ yếu là đồi núi, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, bán kính cấp điện xa nên công tác quản lý, vận hành của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể lưới điện trên địa bàn huyện phần lớn do địa phương bàn giao lại, trong đó, lưới điện nhiều khu vực đã xuống cấp.
Riêng năm 2018, để chống quá tải cho mùa nắng nóng, và nâng cao chất lượng điện cho người dân, Điện lực Bá Thước đã thực hiện luân chuyển nội bộ các máy biến áp trên địa bàn; thực hiện nâng cấp 70 hạng mục từ 1 pha lên 3 pha các khu vực có phụ tải tiêu thụ từ 20 hộ dân trở lên…
“Lực lượng của Điện lực rất mỏng nhưng được sự chia sẻ, hỗ trợ của địa phương, của bà con nên chúng tôi đã hoàn thành nhanh chóng các dự án nâng cấp, cải tạo lưới điện”, ông Tú cho hay…