Như mọi xóm khác, xóm tôi ở có rất nhiều đứa trẻ. Những đứa trẻ tụ họp từ nhiều vùng đất, tận Lào Cai, Vĩnh Phú, Thanh Hóa đến cả Cà Mau, Vĩnh Long, Sóc Trăng… do ba mẹ chúng trong cuộc hành trình mưu sinh tìm đến, trở thành người dân bản địa.
Những đứa trẻ mang giọng nói của mỗi miền ấy hồn nhiên lớn lên, cả ngày thả lỏng đôi chân trên những con đường đầy bụi, thậm chí lang thang ở cả đường lộ nhiều xe lớn chạy qua. Ba mẹ chúng bận rộn liên miên với ca sáng ca chiều, chắt chiu từng chút tiền để chi phí đủ thứ mỗi tháng: Tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước, tiền học cho con… Những căn nhà thuê quanh nhà tôi ấy có đủ vui buồn với tiếng chì tiếng bấc vì không gian ở chật chội, vì tiền bạc không lúc nào đủ. Con người ta không thể nào vui đùa khi cuộc mưu sinh cứ đè nặng đôi vai. Vì thế, lũ trẻ ở xóm tôi có một mùa hè lang thang.
Một trong những đứa trẻ đó, gầy nhom như một cây sậy, thân hình đen đủi, một hôm gặp tôi đứng trước ngõ, nói với tôi như reo: “Ngày mai ngoại của con đưa con về quê”. Về quê, cái từ ấm áp ấy đã làm rộn lòng một cậu bé chừng 10 tuổi. Nghe nói ngoại của cậu bé nhà ở một tỉnh xa lắc miền Trung, đó gọi là nhà quê.
Mà nhà quê chắc chắn là có ruộng, có những cây lúa đang lên mơn mởn màu mạ hay trổ đòng đòng. Nhà quê, có nghĩa là có con trâu cày ruộng, có con bò đi trên đồng cỏ, và có cả những cánh diều làm bằng giấy vở hoặc giấy báo dán nan tre đơn sơ thả lên giữa đồng cỏ xanh. Như thế, cậu bé sẽ hạnh phúc vì biết cây lúa, con trâu, con bò và được nhảy xuống dòng sông quê hồn nhiên tắm mát hay lùi củ khoai trong lửa rơm thơm mùi đồng nội.
Những đứa trẻ ở xóm tôi không có mùa hè, phần lớn không có quê để về. Không biết chúng có biết cây lúa khác ngọn cỏ như thế nào không? Nhưng tuổi thơ chúng đang bị úa héo bởi những lời chửi bới của ba mẹ, là thèm thuồng trước phòng chơi game vì không đủ tiền bước vào, là sắm một cái cây dài đi quanh trong xóm, nhón khèo những trái mận, trái xoài trồng làm cảnh trong nhà ai đó. Chúng leo lên cành phượng, hái không thương tiếc những bông hoa mùa hè, chúng lấy đá ném vào những ô cửa kính hoặc lén bấm chuông gọi cửa để chủ nhà xuất hiện, đuổi theo rồi cười như nắc nẻ. Còn ba mẹ chúng thì khóa cửa, ném con ra đường như thể con đường là nơi chúng có thể reo ca.
Tôi nhớ lần đi trên một con tàu, một đứa con gái nhỏ chỉ cho bà mẹ cánh đồng lúa lướt qua ô cửa kính: Mẹ ơi, sao người ta trồng cỏ nhiều vậy? Tuổi thở cô bé ấy có thể chỉ thấy những vạt cỏ ở công viên, ở những biệt thự, hay cỏ dại trên lối đi mà chưa thấy lúa. Hoặc có đứa trẻ nhìn thấy con bò đang gặm cỏ, ngơ ngác không biết đó là con gì? Nhưng chắc chắn chúng sẽ biết rõ con cá sấu, con đà điểu, cả con voi, con cọp, con cá heo… vì chúng được ba mẹ dắt đến những nơi đó, ở các thảo cầm viên, khu du lịch. Ở những nơi đó chẳng ai trồng lúa, chẳng ai thả con bò, con trâu làm gì…
Hè này ba mẹ cô bé ấy cho em đi Đà Lạt, hoặc có thể là Nha Trang, Vũng Tàu. Cả nhà lên xe, vào cuộc hành trình ở các điểm vui chơi. Em chơi trò tốc độ, em chơi game say mê. Ăn ở nhà hàng, ngủ ở khách sạn, đó là mùa hè ba mẹ ban tặng. Con cái bây giờ quý lắm, mỗi gia đình nhiều lắm chỉ có hai con, chẳng ai dám thả con về quê, bởi ông bà ngoại, ông bà nội đã già, không chăm cháu được, và cũng có thể nhà quê chẳng có gì để chơi. Và cũng có thể những gia đình đó chẳng có quê để trở về.
Thế nên, tôi gọi những đứa trẻ được về quê là những đứa trẻ hạnh phúc. Những đứa trẻ ấy sẽ lớn hơn và vào đời tuyệt vời hơn vì chính làng quê là bài học lớn. Cứ để chúng để đầu trần với mái tóc khét nắng giữa trưa hè đi theo con mương bắt con cua, cứ để chúng ngắt một ngọn lứa đang ngậm sữa cắn vỡ hương thơm và cứ để chúng tự dán vụng về cánh diều mà thả lên bầu trời. Thiên nhiên là bài học lớn, làng quê cũng là bài học cho tuổi thơ. Để chúng khỏi nhìn thấy cánh đồng lúa mà reo lên: “Trời ơi, sao ở đây trồng cỏ nhiều đến thế”.
Khuê Việt Trường