Những động vật xoay chuyển lịch sử

Hóa thạch vượn Lucy - “bà tổ loài người”


Nhờ vào một bộ xương vượn người cổ đại tìm thấy tại một hẻm núi ở Afar, phía bắc Ethiopia vào năm 1974 mà các nhà khoa học đã xác định được “bà tổ của loài người”.

Hình ảnh mô tả Lucy lần đầu xuống mặt đất.


Hóa thạch của bộ xương này có niên đại hơn 3,2 triệu năm, là bộ xương vượn người lâu đời nhất từng được phát hiện. Bộ xương còn nguyên vẹn đến 40% với khoảng 47 chiếc xương ở đủ bộ phận các bộ phận như xương hàm, xương đùi... Căn cứ vào vóc dáng nhỏ và hình dạng xương chậu mà giới khoa học đã kết luận đây là bộ xương của vượn cái và đặt cho tên gọi là Lucy - theo tiêu đề bài hát “Lucy in the Sky with Diamonds” của ban nhạc Beatles đang thịnh hành thời bấy giờ.


Gần giống với tinh tinh hiện đại, Lucy có hộp sọ nhỏ, cánh tay dài đong đưa với xương ngón tay cong, minh chứng cho khả năng leo trèo tốt. Nhưng cấu trúc đầu gối, khung xương chậu và xương lồng ngực nhô cao của Lucy lại cho thấy “bà” thường xuyên đứng thẳng và di chuyển bằng hai chân như con người ngày nay.


Di chuyển bằng hai chân chính là điểm quan trọng nhất để phân biệt giữa người và vượn. Vì vậy, xếp Lucy vào họ của loài người là hoàn toàn có căn cứ - giới khảo cổ học khẳng định. Giới chuyên môn đặt cho loài vượn của Lucy cái tên Australopithecus afarensis (loài vượn phía bắc của Afar).


Cách đây chừng 3,5 triệu năm, loài Australopithecus afarensis sinh tồn bằng cách tìm kiếm trái cây và các loại hạt ở khu vực kết hợp giữa đồng cỏ và rừng cây. Giai đoạn này là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử tiến hóa, khi đó loài vượn người bắt đầu rời bỏ các ngọn cây xuống đi lại trên mặt đất. Việc di chuyển bằng hai chân hàng ngày là cách vượn người thích nghi với việc sống trên địa hình bằng phẳng, trong bối cảnh khí hậu nóng lên rõ rệt khiến các vùng rừng biến mất thay thế bằng các vùng đất trống không có cây cối.


Tinh tinh cũng chế tạo công cụ


David Greybeard - chú tinh tinh sống tại Vườn quốc gia Gombe Stream thuộc đất nước châu Phi Tanzania - tuy không phải là con tinh tinh đầu tiên trong lịch sử biết sử dụng các công cụ hỗ trợ khi kiếm ăn, nhưng lại là con tinh tinh đầu tiên được các nhà nghiên cứu biết đến với khả năng này.

Bà Goodall và David.


Một ngày cuối năm 1960, nhà động vật học Jane Goodall đã bắt gặp David chọc một ngọn cỏ vào tổ mối, bắt lấy những con côn trùng nhỏ ẩn sâu dưới lòng đất rồi đưa lên miệng ăn ngon lành. Không dám chắc chú tinh tinh đã làm gì, bà Goodall đã lặp lại y hệt hành động lạ của con tinh tinh và nhận thấy lũ mối cắn chặt lấy ngọn cỏ. Hay chính xác hơn, David đã dùng ngọn cỏ để “câu” mối.


Dần dần, bà Goodall quan sát thấy không chỉ riêng David mà những con tinh tinh khác cũng có hành động nhặt các ngọn cỏ hoặc cành cây nhỏ, tuốt sạch lá rồi dùng phần cọng cứng để “săn mối”. Bà Goodall khi ấy liền báo cáo sự việc với người thầy là nhà nghiên cứu nổi tiếng Louis Leakey. Ngay lập tức, bà đã nhận được bức điện tín phản hồi có nội dung: “Giờ là lúc chúng ta cần định nghĩa lại ‘công cụ’, định nghĩa lại ‘con người’ hoặc công nhận tinh tinh cũng là con người”.


Phát hiện của bà Goodall xoay quanh việc tinh tinh biết tuốt lá của cành cây, biến nó thành một chiếc “cần câu” mối hữu dụng hay dùng đá để đập vỡ các hạt cây cứng đã làm thay đổi quan niệm “chỉ có loài người mới biết chế tạo công cụ” vốn tồn tại trước đó.


Ngựa kháng bệnh bạch hầu


Vào giai đoạn cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, bệnh bạch hầu là một trong những căn bệnh gây tử vong ở trẻ sơ sinh nhiều nhất và chưa có thuốc phòng tránh.

Jim được các bác sĩ chăm sóc.


Khi đó, Jim chỉ là một con ngựa kéo xe bình thường, bỗng dưng bị nhiễm bạch hầu và bị cho là cầm chắc cái chết. Tuy nhiên, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra: Jim đã hồi phục chỉ vài ngày sau đó.


Trận cháy kinh hoàng ám ảnh lịch sử thành phố Chicago (Mỹ) dưới cái tên “Great Chicago Fire” xảy ra năm 1871 đã cướp đi hơn 300 sinh mạng và thiêu rụi hàng nghìn ngôi nhà. Điều đáng nói, “hung thủ” gây ra thảm họa này lại là một con bò, do một người phụ nữ gốc Ireland có tên Catherine O’Leary nuôi. Trong đêm định mệnh đó, con bò đã đá đổ chiếc đèn dầu của trang trại khiến ngọn lửa bùng phát và nhanh chóng trở nên hung hãn mất kiểm soát. Dù hậu quả để lại rất nặng nề nhưng Chicago đã lập kỳ tích sớm ổn định đời sống người dân và bắt tay vào phát triển kinh tế. Đến những năm 1880, nơi đây đã mọc lên những tòa nhà chọc trời đầu tiên của thế giới.

Hết sức bất ngờ, người ta đã đem các tế bào của Jim đi xét nghiệm và phát hiện ra cơ thể của chú ngựa này tự sản sinh ra các chất kháng thể chống lại bệnh bạch hầu. Kể từ đấy, các bác sĩ đã sử dụng thứ huyết thanh đặc biệt chắt lọc từ máu của Jim và những chú ngựa khác để cứu mạng rất nhiều trẻ em.


Tuy nhiên, ngày 2/10/1901, một bé gái đang điều trị bạch hầu bỗng nhiên qua đời với dấu hiệu của bệnh uốn ván. Trước đó, cô bé này sử dụng mẫu huyết thanh được lấy ngày 30/9 của Jim và hóa ra chú ngựa đã bị nhiễm trùng uốn ván mà các bác sĩ không hề hay biết. Sơ suất này đã kéo theo cái chết đáng tiếc của 12 bệnh nhi khác.


Sau sự việc đáng buồn này, chính phủ Mỹ đã ngay lập tức ban hành Đạo luật kiểm soát sinh học (BCA) vào ngày 1/7/1902, nhằm bảo đảm mọi huyết thanh và vắcxin phải được xét nghiệm lại trước khi sử dụng cho bệnh nhân.

 

(Còn tiếp)


Hoàng Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN