Những dặm đường Xuân...

Yên Bái: Rộn ràng chơi núi mùa xuân

Trong tiết trời buốt giá của vùng núi cao, bà con các dân tộc trong xã Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) vẫn nô nức đi trẩy hội xuân. Tại hội trường thôn Suối Giàng B, đông đảo bà con trong xã, chủ yếu là dân tộc Mông đến vui chơi trong suốt 4 ngày diễn ra lễ hội (từ mồng 4-7 tháng Giêng âm lịch).

Ném Pao, trò chơi dân gian thu hút đông đảo người tham gia.


Trong những ngày diễn ra lễ hội, bà con tham gia múa khèn bè, thổi khèn lá, hát giao duyên. Hòa trong tiếng khèn, tiếng sáo, trong những câu hát giao duyên, các em thiếu nhi, các nam thanh, nữ tú cùng nhau chơi ném pao, các nam thanh niên thì chơi quay, thi bắn nỏ...

Em Sổng Thị Nhứ, học sinh lớp 12, trú tại thôn Giàng B cho biết, trong những ngày đầu năm mới, em cùng các bạn rất thích đến đây chơi ném pao, nghe thổi khèn và xem chơi quay...

Tuyên Quang: Đồng bào Tày tổ chức Lễ cầu may đầu năm mới

Sáng 3 Tết, mặc cho thời tiết buốt giá, đồng bào dân tộc Tày làng Kim Trận (nay là làng Hồng Thái), xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) đã nô nức đến đình Hồng Thái nổi tiếng để tham dự lễ cầu may đầu năm mới. Lễ hội cầu may với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cầu sức khỏe, bình an, ấm no hạnh phúc, đây cũng là dịp dân làng Hồng Thái được tỏ lòng biết ơn: Nhất Long Đại Thần, Tứ vị Đại Thần, Lục vị Sơn Thần, Ngọc Hoa Công chúa đã phù hộ độ trì, che chở cuộc sống yên lành cho mỗi cá nhân và cộng đồng được ấm no, hạnh phúc.

Trò chơi cày ruộng bắt cá tại lễ hội cầu may của đồng bào Tày (Tuyên Quang).

Lễ hội cầu may đầu xuân Tân Trào gồm hai phần: Phần lễ và phần hội. Phần nghi lễ được tiến hành đúng theo phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc Tày tại làng Hồng Thái, bao gồm lễ dựng cờ và lọng, 12 thanh niên trai tráng mặc trang phục của dân tộc Tày đội 12 mâm cỗ dâng lên vọng cung, mâm cỗ to nhất dâng lên Thành hoàng làng được đặt vào giữa, một mâm cỗ được đặt lên bàn thờ Ngọc Hoa Công chúa. Sau khi làm lễ dựng cờ, lọng, chủ lễ tiến hành làm lễ xin Thành hoàng làng và các vị thần cho phép được đưa kiệu xuống để đi rước Ngọc Hoa Công chúa. Sau khi rước Ngọc Hoa Công chúa về đình Hồng Thái, đã diễn ra lễ cúng chính, chủ tế đọc văn tế cầu xin Thành hoàng làng, các vị thần linh phù hộ, che chở cho dân làng được mưa thuận gió hòa, ấm no hạnh phúc. Kết thúc phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như: Tắc kè gọi mưa nắng, bắt cá, cày ruộng, thày đồ dạy học, thi gói bánh chưng, giã bánh dày…

Nam Định: Đèn lồng... đón Tết

Năm nay, ở nhiều vùng nông thôn, trong đó có Nam Định, người dân có phong trào trang trí đèn lồng đón Tết. Đèn lồng treo trước cửa nhà, đèn lồng treo trước cổng và đặc biệt là đèn lồng treo dọc đường làng, ngõ xóm.

Hai dãy đèn lồng đỏ dọc phố Dần (Quang Trung – Trung Thành, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) tạo khung cảnh rực rỡ trong những ngày xuân.


Dọc đường nội tỉnh Vụ Bản từ thành phố Nam Định đi Ý Yên, rất nhiều nơi treo đèn lồng trong những ngày Tết. Đặc biệt tại đoạn đường qua khu vực chợ Dần thuộc địa phận xã Quang Trung và Trung Thành (huyện Vụ Bản), những dãy đèn lồng đỏ được treo dày đặc tạo khung cảnh rực rỡ và ấm áp trong những ngày xuân. Được biết, kinh phí trang trí đèn lồng này do người dân địa phương làm ăn phát đạt tài trợ, từng gia đình chỉ việc kéo bóng điện ra thắp sáng những chiếc đèn trước cửa nhà mình.

Nhiều người dân cho biết, việc treo đèn lồng có nhiều ý nghĩa: Ngọn đèn tượng trưng cho sự sáng suốt, duy trì ngọn lửa ấm áp trong mỗi căn nhà, còn màu đỏ tượng trưng cho hạnh phúc, may mắn và sự thịnh vượng... Hơn nữa, việc trang trí bằng đèn lồng còn có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hành tiết kiệm vì sau Tết, người ta có thể xếp đèn lồng lại cất đi để dùng cho Tết sau.

Hải Phòng: Đào, quất rợp trời

Những ngày trước Tết, cả con phố Tôn Đức Thắng, đoạn từ chân cầu An Dương trở vào, rực một sắc đào, quất. Năm nay, dân Hải Phòng "chơi" những cây đào thế rất to, hiếm thấy những cành đào nhỏ. Tuy nhiên, rất ít người mua cây đào, mà chủ yếu là thuê. Giá thuê cây đào được "định" từ 50.000-100.000 đồng/cây, tùy theo ngày. Anh Nguyễn Văn Hùng, ở phố Chùa Hàng thuê cây đào với giá 100.000 đồng/ngày. "Bảy ngày Tết mất 700.000 đồng, mà lại được cây đào đẹp, nụ nhiều, hoa nhiều, lộc cũng nhiều, tôi thấy giá thế là xứng đáng. Chứ như mọi năm, mua cành đào, cũng đến mấy trăm ngàn, mà lại không đẹp và hoành tráng được như thế", anh Hùng cho biết.

Điểm thu hút người dân Hải Phòng những ngày Tết vẫn là Nhà hát Lớn thành phố với hình Rồng khổng lồ được kết bằng hoa vàng. Con Rồng trong thế vươn lên, dũng mãnh, thể hiện tinh thần của đất Cảng trong năm mới Nhâm Thìn.

Nghệ An: Độc đáo lễ hội Mường Ham

Lễ hội Mường Ham vào mùng 4, 5 và 6 Tết Nguyên đán hàng năm tại xã Châu Cường (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) của người Thái nhằm tưởng nhớ công ơn của Tạo Khủn Pang – Tạo đã có công cai quản cả mường lớn thời xưa (gồm 3 huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp ngày nay). Bên cạnh những hoạt động thường thấy như thi đấu thể thao, nhảy sạp, kéo co, vui văn nghệ với các làn điệu dân ca, trong 3 ngày, người dân 11 bản đổ về khu vực trước hang Pợn Pang – nơi diễn ra hội để tranh tài dựng nhà sàn, thi dọn một mâm cỗ Tết đúng kiểu truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Chị Vi Thị Mai (Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ của bản Khì) cho biết, đây là tấm thổ cẩm do chính tay chị dệt nên để trang trí cho ngôi nhà sàn dự thi của bản mình.

Mỗi bản phải dựng một ngôi nhà sàn có thể đủ chỗ cho 30- 40 người. Sàn nhà và phên làm bằng nứa, cột làm bằng gỗ, mái làm bằng cọ, rui bằng tre. Nguyên liệu được chuẩn bị sẵn từ trước Tết, đúng ngày tổ chức lễ hội mới mang tới dựng. Trang trí cho ngôi nhà là nhiệm vụ của những người phụ nữ. Họ trang hoàng căn nhà bằng những tấm thổ cẩm sặc sỡ. Điều thú vị là hoa văn của các mảnh thổ cẩm trang trí không trại nào giống trại nào tạo thành những sắc màu đa dạng.

Thừa Thiên - Huế: Đón khách tham quan cố đô

Trong 3 ngày mở cửa tự do cho khách vào tham quan (từ 1-3 Tết Nguyên đán Nhâm Thìn), dù mưa phùn, gió lạnh nhưng đã có 31.000 lượt khách đến tham quan hệ thống di tích Cố đô Huế, trong đó có hơn 7.200 lượt khách nước ngoài.

Anh Nguyễn Thành Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: Trong những ngày đầu năm mới, Trung tâm huy động gần 200 cán bộ công nhân viên chức tổ chức trực 24/24 giờ để vừa phục vụ khách tham quan, vừa làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự cho du khách trong những ngày vui Tết đón Xuân.

Quảng Ngãi: Lý Sơn khai hội đua thuyền

Ngày 26/1, tức mùng 4 Tết Nhâm Thìn - 2012, tại hai xã An Hải và An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã khai mạc Lễ hội đua thuyền truyền thống đầu năm nhằm tri ân các vị thần linh, cầu quốc thái dân an, nông dân được mùa hành, tỏi; ngư dân đánh bắt được nhiều hải sản. Đây là lễ hội đua thuyền được tổ chức hàng năm của nhân dân huyện đảo, thể hiện nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của cư dân vùng biển đảo mang tính truyền thống được duy trì hàng trăm năm nay.

Ông Ngô Văn Nghĩa, Trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Lý Sơn cho biết: Lễ hội đua thuyền truyền thống của huyện Lý Sơn mang những bản sắc riêng của vùng biển đảo. Đây là một trong hai lễ hội lớn nhất của huyện đảo đó là: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức vào giữa tháng 2 đến giữa tháng 3 âm lịch hàng năm và Lễ hội đua thuyền truyền thống đầu năm. Lễ hội được bà con ở đây gìn giữ, bảo tồn, thu hút hàng vạn người dân địa phương trong và ngoài huyện đến xem.

Khánh Hòa: Đón Tết với đòn bánh Tét khổng lồ

Tối 25/1 (tức mùng 3 Tết Nhâm Thìn), tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), khách sạn Yasaka Saigon-Nhatrang đã tổ chức lễ cắt chiếc bánh tét kỷ lục dài 37 mét, đuờng kính 0,2 mét. Chiếc bánh này được cắt thành nhiều lát nhỏ và bán cho người dân, du khách với giá 50.000 đồng/lát. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán bánh được dành cho công tác từ thiện.

Trước đó, ngày 24/1 (mùng 2 Tết), gần 100 nhân viên của khách sạn đã thực hiện việc gói và nấu chiếc bánh kỷ lục này. Theo Ban tổ chức, chiếc bánh tét năm nay dài hơn chiếc bánh năm 2011 một mét. Bánh được gói từ 420 kg nếp, 67 kg đậu xanh, 17 kg đậu đen, 17 kg đậu phộng, 110 kg thịt heo, 550 trái chuối, 30 trái gấc, 80 kg dừa bào, sử dụng 410 kg lá chuối, 32 kg dây buộc… Sau khi gói xong, trọng lượng của bánh lên đến 810 kg.

Đà Lạt: Đón hàng chục nghìn du khách trong ngày đầu năm

Thời tiết Đà Lạt đẹp cùng với việc hàng nghìn cây đào năm nay nở hoa đúng vào dịp Tết là một trong những lý do chính thu hút hàng chục nghìn khách từ nhiều tỉnh, thành đến du xuân ở Đà Lạt ngay trong ngày mồng một Tết. Tại các không gian công cộng quanh hồ Xuân Hương, cùng với cư dân Đà Lạt, nhiều du khách cũng tranh thủ ra đường thưởng thức tiết trời se lạnh trong cái nắng ấm áp và rực rỡ đầu năm, chụp ảnh sương sớm trên hồ Xuân Hương... Ở nhiều điểm tham quan du lịch ngoài trời, ngay từ đầu giờ sáng đã có nhiều khách đến du ngoạn.

Đồng Tháp: Cá hóa rồng - Sen hồng tỏa sắc

20 giờ ngày 22/1 (tức 29 Tết) tại công viên Văn Miếu TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã khai mạc Lễ hội xuân “Cá hóa rồng - Sen hồng tỏa sắc”. Hàng chục nghìn người dân từ các nơi trong tỉnh đã đổ về TP Cao Lãnh để xem lễ hội, thưởng thức bắn pháo hoa đón giao thừa.

Lễ hội văn hóa xuân “Cá hóa rồng - Sen hồng tỏa sắc” năm nay khá đặc sắc và ấn tượng với cặp rồng lớn bằng hoa đăng trên hồ Khổng Tử, tiểu cảnh “Cá hóa rồng - Sen hồng tỏa sắc” và cặp rồng lớn bằng hoa được trưng bày tại Quảng trường Văn Miếu.

Văn Doanh, Tuyết Anh, Phương Lan, Quang Cường, Mạnh Minh - TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN