Thanh Hóa có 192 km đường biên giáp ranh với Lào và 102 km bờ biển. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến nay, 16/16 xã biên giới của tỉnh đã có 151 già làng, trưởng bản cùng các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và hàng trăm hộ lao động sản xuất sát vành đai biên giới tự nguyện đăng ký bảo vệ dấu hiệu đường biên, mốc giới.
Đã hơn 20 năm nay, già làng Lục Văn Quý, người dân tộc Thái, ở bản Táo, xã Trung Lý, huyện Mường Lát tình nguyện cùng con cháu của mình và cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý băng rừng, lội suối, phát quang đường biên, bảo vệ cột mốc.
Năm nay dù đã gần 80 tuổi nhưng tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt huyết đối với biên giới của ông vẫn như bao con suối ngàn, chảy mãi không thôi. Không chỉ tích cực tham gia cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ biên giới, ông Quý còn thường xuyên tuyên truyền cho con cháu và dân bản nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ biên giới, không nghe lời xúi dục của kẻ xấu và luôn đề cao cảnh giác với các loại tội phạm.
Ông Lục Văn Quý cho biết: Tiếp nối truyền thống của gia đình, ông đã tự nguyện đăng ký tham gia bảo vệ đường biên cột mốc được 20 năm. Hàng tháng, ông lên kiểm tra, khi phát hiện có vấn đề gì sẽ báo cáo cho Bộ đội Biên phòng để kịp thời xử lý. Bên cạnh đó, ông cũng thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân cùng bảo vệ đường biên, cột mốc để giữ vững chủ quyền an ninh biên giới.
Bên cạnh già làng Quý, tuyến biên giới tỉnh Thanh Hóa còn có nhiều tấm gương tiêu biểu là các già làng, trưởng bản tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc và là tấm gương sáng cho dân bản và con cháu học tập noi theo như: già làng Phan Văn Xiết ở bản Suối Tút, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát; già làng Vi Văn Dong ở bản Cháo, xã Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa; trưởng bản Lò Văn Thọ ở bản Xắng, xã Yên Khương, huyện Lang Chánh...
Cùng với các già làng, trưởng bản, người có uy tín, nhiều thanh niên trên biên giới đã và đang xác định rõ trách nhiệm của mình, tích cực tham gia với Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Gần 3 năm nay, cứ mỗi tháng 2 lần, anh Lâu Văn Lâu, người dân tộc Mông ở bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát lại băng rừng, lội suối lên đỉnh núi Đá Đỏ cao gần 2.000 mét so với mặt nước biển để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc G8, nay là mốc 304. Đây cũng chính là cột mốc mà cha anh - già làng Lâu Văn Hự - năm nay 95 tuổi đã tình nguyện bảo vệ, chăm sóc như người thân của gia đình mình trong suốt hơn 30 năm qua. Năm 2016, biết mình tuổi cao, sức yếu, già làng Hự đã báo cáo Đồn Biên phòng Quang Chiểu xin trao lại nhiệm vụ thiêng liêng này cho anh Lâu Văn Lâu.
Không chỉ trên tuyến biên giới, tuyến biển của tỉnh Thanh Hóa cũng có hàng trăm chủ phương tiện tàu thuyền, hàng nghìn ngư dân tự nguyện đăng ký tham gia vào các tổ tàu thuyền an toàn, tham gia bảo vệ an ninh trật tự bến bãi tàu thuyền, đồng lòng sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cũng như nhiều chủ tàu đánh cá ở các huyện ven biển của tỉnh, bằng tình cảm gắn bó máu thịt với những người lính Biên phòng, bằng tinh thần trách nhiệm của một công dân đối với Tổ quốc, nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Lộc, ở thôn Nam Phượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc đã luôn kịp thời cung cấp nhiều nguồn tin quan trọng cho Đồn Biên phòng Đa Lộc về tình hình an ninh trật tự địa bàn cũng như an ninh trên biển.
Là người có uy tín ở địa phương, ông còn thường xuyên tham gia cùng Bộ đội Biên phòng tổ chức tuyên truyền cho các chủ phương tiện chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định khi ra khơi đánh bắt hải sản. Mỗi lúc tàu cập bến, ông vẫn thường chủ động gặp gỡ, trò chuyện cùng các ngư dân trong vùng về truyền thống yêu nước của dân tộc và trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Ông Nguyễn Xuân Lộc cho biết: "Chúng tôi đã thành lập được tổ đội tàu thuyền an toàn trên biên và thường xuyên trao đổi thông tin với nhau khi ra khơi đánh bắt cá. Nếu tàu thuyền của Việt Nam có vấn đề gì chúng tôi kịp thời thông tin để được giúp đỡ. Bên cạnh đó, nếu phát hiện tàu thuyền lạ xâm phạm chủ quyền hoặc những vấn đề bất thường trên biên, chúng tôi cũng kịp thời báo cáo về Đồn Biên phòng Đa Lộc để Bộ đội Biên phòng có hướng xử lý kịp thời. Tôi cũng thường xuyên tuyên truyền cho con cháu khi ra khơi chấp hành quy định của pháp luật cũng như nâng cao trách nhiệm của công dân".
Theo Đại tá Nguyễn Văn Thú, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa, nhờ những cột mốc sống là các già làng, trưởng bản, người có uy tín, Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng với nhân dân trên hai tuyến biên giới đã tổ chức hàng nghìn lượt tuần tra, kiểm soát, phát quang đường biên, bảo vệ mốc giới; bảo vệ an ninh trật tự địa bàn trên hai tuyến biên giới. Từ đó, hàng nghìn nguồn tin có giá trị của quần chúng nhân dân đã cung cấp cho Bộ đội Biên phòng, kịp thời phá nhiều vụ án như: bắt hơn 2 ngàn đối tượng, thu giữ hàng trăm kg hêrôin, hơn 100 nghìn viên ma túy tổng hợp, hơn 1.000 kg thuốc nổ, thu hồi trên 6.000 khẩu súng các loại, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh trên hai tuyến biên giới.
Có thể nói, diện mạo trên biên giới Thanh Hóa đã và đang khởi sắc từng ngày, đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc không ngừng được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững. Thành quả đó luôn có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là những già làng, trưởng bản, người có uy tín trên khắp các thôn bản biên giới xứ Thanh.