Tôi đã từng đi nhiều nơi, đến nhiều địa điểm danh thắng nhưng chưa thấy nơi nào ghế đá xuất hiện nhiều như Tây Ninh quê tôi. Trảng Bàng, Gò Dầu, Hòa Thành, Bến Cầu, Tân Châu… huyện nào, xã nào, làng nào, nhà nào cũng có ghế đá. Không phải trong công viên, nơi công sở mà hầu hết trước cửa các căn hộ gia đình đều có từ một đến hai chiếc ghế đá. Ghế đá xuất hiện nhiều nhất ở khu phố mới, trung tâm thị trấn, thị tứ, dọc hai bên hè phố, trước cửa các căn hộ. Ghế đá có ở trước cửa các cổng nhà mới xây trong các ngõ xóm. Chẳng là biệt thự, không phải nhà lầu, chỉ là những ngôi nhà cấp bốn thôi, ấy vậy mà nhà nào cũng có ghế đá. Không phải kinh doanh buôn bán gì, cũng không là phòng chờ làm việc hay khám bệnh, sửa chữa, thế nhưng nhà nào cũng có chiếc ghế đá để ngay ngoài cửa, trước ngõ. Tuổi thơ tôi gắn liền với những chiếc ghế đá đó. Khi thì bế em ngồi ngóng mẹ, khi thì cắp sách í ới gọi bạn đi học. Ghế đá là nơi dừng chân, là chỗ đùa nghịch của lũ trẻ chúng tôi. Rồi đến khi lớn lên biết hò hẹn yêu thương, chiếc ghế đá cũng in dấu bao nhiêu kỷ niệm.
Tôi nhớ có lần đưa anh bạn thân về thăm quê, anh ấy rất ngạc nhiên trước những cái ghế này. Sao nhà nào cũng có ghế đá vậy? Để tơ hơ ngoài ngõ thế mà không bị mất trộm à? Nhà người ta bán hàng, sửa chữa dịch vụ ư? Chắc là chỗ để cho khách nghỉ chân chờ đợi? Anh tròn mắt hỏi tôi. Tôi cười giải thích: “Không phải thế, đây là những vật kỷ niệm của những cánh thợ đã thi công xây dựng, lắp đặt nhà cửa cho gia chủ. Từ chủ lò gạch, tiệm cơ khí, đến cửa hàng cắt kính, tổ thợ xây, cả đến doanh nghiệp vật liệu xây dựng, công ty vận tải đều có tên trên mỗi chiếc ghế. Trong lễ khánh thành bàn giao ngôi nhà thì những “bên B” cung ứng vật tư hoặc cánh thợ xây dựng đó sẽ tặng cho gia chủ từ một đến hai chiếc ghế đá. Anh hãy nhìn kỹ xem, trên mỗi chiếc ghế đó đều ghi tên doanh nghiệp, công ty, tổ thợ cùng số điện thoại của họ kèm dòng chữ “thân tặng” rất đẹp kia kìa”. Anh bạn tôi gật gù: “Hay! Hay thật! Một phong tục rất đẹp, rất văn hóa. Vừa thể hiện mối tình chủ thợ, vừa quảng cáo luôn cho thợ. Thợ nào có uy tín sẽ được người ta thuê nhiều và tất nhiên ghế đá sẽ tặng lại cho các gia chủ cũng nhiều. Chỉ nhìn những chiếc ghế đá hai bên hè phố, trước các cửa nhà trong xóm cũng đủ biết thợ nào ăn nên làm ra. Hay! Tuyệt hay! Tha hồ cho khách qua đường nghỉ chân, hóng mát. Đúng là một nét đẹp rất văn hóa của Tây Ninh”.
Nghe anh nói vậy, lòng tôi rộn lên niềm vui và tự hào về quê hương. Đặc biệt, kỷ niệm từ những chiếc ghế đá đó, dưới tán cây ngoài ngõ nhà tôi, nhà bạn tôi, nhà người thân của tôi thì không bao giờ quên được. Nơi hẹn hò đón đưa nhau, nơi ngồi mong ngóng chờ đợi người thân… ghế đá là người bạn tri âm tri kỷ. Đọc sách, ngắm trăng, trốn tìm… ghế đá là nhân chứng. Và nụ hôn đầu đời của tôi cũng từ trên chiếc ghế đá thân thương này. Không phải trong công viên thơ mộng, không phải bên bờ hồ lãng mạn mà chính ngay trước ngõ nhà tôi. Rồi chiều nào cũng vậy, ba má tôi, các ông già, bà cả trong xóm tụ tập nhau ngồi trên những chiếc ghế đá thảnh thơi bàn chuyện làm ăn cày cấy để đến khi trăng lên, câu chuyện cứ râm ran mãi chẳng ai muốn về.
Nhớ lắm lần đầu tiên anh đến thăm quê tôi. Chiều hôm đó nắng và gió, anh xuống xe đi bộ tìm đến chỗ hẹn đợi tôi. Vì trục trặc một tí nên tôi không đón anh sớm được phải để anh chờ. Mãi chiều muộn, tôi mới đến. Anh ngồi tư lự trên chiếc ghế đá, bên lề đường, đôi mắt mỏi mòn trông ngóng. Thấy cảnh đó, tôi lại nhớ hồi nhỏ ngồi ngóng mẹ đi chợ về mà thương anh quá chừng. Gặp tôi, anh cười xòa và nói: “May mà có chiếc ghế đá này, không thì…”. Chẳng biết lời trách cứ, hờn dỗi hay lời yêu thương da diết tự trong lòng của anh mà bỗng dưng lại gắn với chiếc ghế đá vô tri này để đến bây giờ chiếc ghế đá ấy bỗng có hồn, có nghĩa theo tôi đi suốt cuộc đời.
Ơi những chiếc ghế đá bình yên quê tôi - nơi lưu giữ bao nhiêu những kỷ niệm êm đềm! Dẫu có đi trăm nẻo ngàn nơi thì lòng tôi vẫn hướng về Tây Ninh, vẫn muốn chạy ào về quê mẹ mà ngồi trên chiếc ghế đá trước ngõ để thả hồn cùng những kỷ niệm làng xưa cho nó cất cánh bay lên, bay lên…
Trần Nhã My