Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ) là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ cùng với Đức) và Iran đã bắt đầu thảo luận về một nghị quyết nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Tehran nếu các bên đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của nước CH Hồi giáo này.Phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ở Washington, DC ngày 11/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ trích mạnh mẽ việc 47 Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa gửi thư ngỏ tới các nhà lãnh đạo Iran. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Các cuộc thảo luận diễn ra trước thềm vòng đàm phán được dự báo là khó khăn giữa các bên liên quan, dự kiến nối lại vào tuần tới tại Thụy Sĩ, về hạn chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran. Đến nay, nội dung dỡ bỏ lệnh trừng phạt chủ yếu tập trung vào các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong các lĩnh vực tài chính và năng lượng của Iran.
Đây cũng sẽ là điểm mấu chốt trong cuộc đối thoại tới đây giữa Iran và Nhóm P5+1. Ngoài ra, đại diện các nước trong Nhóm P5+1 cũng đang thảo luận về một dự thảo nghị quyết trình lên HĐBA LHQ về nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với chương trình hạt nhân Iran vốn áp đặt từ tháng 12/2006.
Theo giới phân tích, các cuộc thảo luận này có thể khiến Quốc hội Mỹ gặp khó khăn trong việc xóa bỏ thỏa thuận liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran như đã cảnh báo trong bức thư ngỏ của các Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phát biểu trước Quốc hội rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran không mang tính bắt buộc pháp lý, điều này có nghĩa là vị tổng thống kế tiếp của nước Mỹ có thể điều chỉnh nội dung thỏa thuận này. Tuy nhiên, theo các chính trị gia phương Tây, nghị quyết của HĐBA LHQ mang tính bắt buộc pháp lý, vì vậy đảng Cộng hòa khó có thể đảo ngược tình hình.
Hiện Iran và nhóm P5+1 đang cố gắng hoàn tất thỏa thuận khung cuối cùng về chương trình hạt nhân của nước này trước ngày 31/3 tới và đạt được thỏa thuận đầy đủ trước ngày 30/6, theo đó Iran tạm dừng chương trình hạt nhân trong ít nhất 10 năm đổi lại việc các nước phương Tây dỡ bỏ dần dần lệnh cấm vận đối với nước CH Hồi giáo này.
Cũng liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược Mỹ (CSIS) nhân chuyến thăm Mỹ hai ngày, ngày 12/3, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã chỉ trích bức thư mà 47 nghị sỹ đảng Cộng hoà Mỹ mới gửi cho Tehran, trong đó đề cập mọi thoả thuận mà Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn đạt được với Iran phải có sự đồng thuận của đảng Cộng hoà chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Ngoại trưởng Steinmeier nhấn mạnh không cần bức thư nói trên, các cuộc đàm phán với Iran về chương trình hạt nhân của nước này đã rất khó khăn và bức thư sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên "khó khăn và phức tạp hơn". Theo ông, bức thư mà 47 nghị sỹ đảng Cộng hoà gửi cho chính quyền Iran đã gây tổn hại tới niềm tin của Tehran đối với P5+1.
Những chỉ trích của Ngoại trưởng Đức tại một trung tâm nghiên cứu chiến lược hàng đầu nước Mỹ cho thấy Berlin muốn gửi tín hiệu cảnh báo tới các thế lực ở Washington muốn ngăn cản một thoả thuận hạt nhân toàn diện với Tehran.
Trước đó, Tổng thống Obama cùng nhiều lãnh đạo đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ cũng lên tiếng chỉ trích hành động của phe Cộng hòa là vi hiến, cố tình gây phương hại tới hoạt động ngoại giao của Mỹ.
Trong khi đó, nhà lãnh tụ tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei tuyên bố các nhà đàm phán của Iran sẽ không bị "lừa bịp" trong bất kỳ thỏa thuận hạt nhân vào với Nhóm P5+1. Phát biểu trước Hội đồng Chuyên gia, cơ quan bao gồm 86 giáo sĩ cấp cao nhất của Iran, ông Khamenei, người có tiếng nói quyết định trong các thỏa thuận của Iran, đánh giá cao nhóm đàm phán hạt nhân của nước này và rằng họ có đủ kỹ năng đàm phán để đạt được một thỏa thuận mà Mỹ sau này không thể đảo ngược.
Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif cũng lên tiếng phản bác nội dung bức thư, cho rằng cách hành xử trên cho thấy “không thể tin cậy vào nước Mỹ” vì các mối quan hệ liên quốc gia phải được chi phối bởi luật pháp quốc tế chứ không phải bởi luật pháp của Mỹ.
TTXVN/Tin tức