Nhiều hoạt động tôn vinh văn hóa dân tộc

Ngày 27/8, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Thuận) đã tổ chức trưng bày nhiều hình ảnh, hiện vật văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc nền văn hóa Chăm; giới thiệu tới công chúng, đặc biệt là du khách trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận trong dịp Quốc khánh 2/9.

Trưng bày giới thiệu văn hóa Chăm. Ảnh: Công Thử - TTXVN

 

Lần trưng bày này giới thiệu hơn 400 hiện vật, trong đó chủ yếu là hiện vật của nhà sưu tầm Nguyễn Văn May, hội viên Câu lạc bộ UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật tỉnh Lâm Đồng (377 hiện vật), gồm 361 hiện vật bằng đồng và 16 hiện vật bằng gốm, chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ, đồ trang sức và đồ dùng đựng vật lễ trong các lễ cúng của đồng bào Chăm...

 

* Tiếp ngay sau đó, từ ngày 29-31/8, "Ngày hội Văn hóa dân tộc Raglai năm 2013" sẽ diễn ra tại huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Chương trình do Bộ VH, TT &DL và UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp tổ chức, thu hút sự tham gia của đồng bào dân tộc Raglai tại các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và Lâm Đồng. Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, Pinăng Thị Thủy cho biết: Diễn ra đúng dịp Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đang tích cực thi đua lập thành tích kỷ niệm 63 năm ngày giải phóng huyện Bác Ái (30/8/1960-30/8/2013) và 13 năm tái lập huyện; ngày hội sẽ góp phần giúp cho niềm vui của đồng bào dân tộc Raglai trên địa bàn huyện tăng lên gấp bội.


Bác Ái là huyện miền núi vùng cao, dân số hơn 26.200 người, trong đó đồng bào Raglai chiếm 95%. Là huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, những năm qua Bác Ái được quan tâm đầu tư hạ tầng, giúp bà con áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một nâng lên. Năm 2001 khi huyện được tái lập, tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 70%, đến cuối năm 2012 giảm còn 46,12%.

 

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN