Nhiều dịch bệnh “lăm le” xuất hiện

Trước diễn biến phức tạp của nhiều dịch bệnh nguy hiểm như: Cúm A(H5N1), A(H7N9), A(H5N6), dịch bạch hầu tại các nước láng giềng... Bộ Y tế đang rốt ráo đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch, khuyến cáo người dân để ngăn chặn các dịch bệnh xâm nhập.


Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tình hình dịch bệnh cúm A(H5N1), A(H5N6), A(H7N9) vẫn diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Lào, Campuchia. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận 4 trường hợp mắc cúm A(H5N6), 5 trường hợp mắc cúm A(H5N1) và 2 trường hợp mắc cúm A(H7N9). Từ đầu năm 2015 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm nào trên người. Tuy nhiên tính đến cuối tháng 10, đã ghi nhận một số ổ dịch cúm A(H5N6), A(H5N1) trên gia cầm tại một số tỉnh: Nam Định, Tuyên Quang, Thái Bình... vì thế nguy cơ bệnh lây sang người là rất lớn.

Không chỉ dịch cúm gia cầm, dịch bạch hầu đang lưu hành tại 6/17 tỉnh, thành phố của Lào cũng đang đe dọa các tỉnh của Việt Nam sát biên giới. Theo số liệu mới đây, tại Lào có 588 người mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 11 người đã tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, dịch bạch hầu tại Lào có thể lây truyền sang các khu vực thôn bản vùng biên giới nước ta và sau đó lan sang các khu vực khác trong nước.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, dịch cúm gia cầm tại các nước và thường xuyên trao đổi thông tin với các nước để triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời. Đồng thời phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Bộ Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường giám sát, điều tra phát hiện sớm, xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện ngăn chặn nhập lậu qua biên giới, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và buôn bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Các Sở Y tế tăng cường giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm từ các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, viêm phổi nặng do virút, đặc biệt các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh để phát hiện sớm các chủng virút cúm độc lực cao, đồng thời triển khai kịp thời các biện pháp cách ly, điều trị và các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng bệnh, vận động người dân hạn chế tiếp xúc với gia cầm ốm, chết và chất thải từ gia cầm, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn...

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân cần thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cúm gia cầm như: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
PV
Cứu sống bệnh nhân bị viêm phổi nặng do cúm AH3
Cứu sống bệnh nhân bị viêm phổi nặng do cúm AH3

Bệnh viện Đà Nẵng vừa cứu sống một bệnh nhân bị viêm phổi nặng do cúm AH3 (bội nhiễm phổi) bằng kỹ thuật trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể (ECMO).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN