Trong nhiều năm qua, vấn đề giáo dục dân tộc đã được Chính phủ hết sức quan tâm, trong đó có việc xây dựng mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, giải quyết chỗ ở nội trú cho một bộ phận con em đồng bào dân tộc thiểu số.
Mô hình trường PTDTBT rất phù hợp với điều kiện thực tế của giáo dục vùng cao. Ảnh: Viết Tôn |
Theo ông Đỗ Văn Hán, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu, nhiều năm qua trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) là mô hình phù hợp với điều kiện thực tế của giáo dục vùng cao, vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Mô hình này đã giải quyết được một trong những khó khăn rất lớn của vùng, đem lại hiệu quả thiết thực trong việc huy động dân số trong độ tuổi đi học tới trường, duy trì sỹ số học sinh, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển giáo dục và đào tạo.
Việc thành lập các trường PTDTBT là một bước tiến lớn trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, bởi trong lúc nhiều học sinh phải bỏ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc đường sá xa xôi thì trường bán trú chính là ngôi nhà thứ hai cho các em học sinh dân tộc thiểu số. Trước khi có Quyết định 85/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương vùng Tây Bắc đã căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện cơ chế, chính sách cho HSBT và trường có HSBT (bán trú dân nuôi), như: Quyết định 112/2007/QĐ-TTg, Quyết định 27/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ đến năm 2010; Nghị định số 49/2010/NĐ-CP quy định về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 – 2015.
Có thể nói các địa phương đã dành sự quan tâm nhất định đối với HSBT và trường có HSBT thông qua các cơ chế, chính sách riêng của địa phương. UBND các tỉnh và các cơ quan chuyên môn đã chỉ đạo, hướng dẫn, có chính sách để thực hiện việc tổ chức nuôi dưỡng học sinh bán trú dân nuôi ở các trường phổ thông trên địa bàn.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, bên cạnh các mức hỗ trợ được thực hiện theo các Quyết định 27, Quyết định 112, Nghị định 49, các tỉnh trong vùng Tây Bắc còn chủ động xây dựng, ban hành một số chính sách riêng cho HSBT và có nhiều hình thức tổ chức hỗ trợ đời sống cho HSBT của địa phương. Tỉnh Sơn La hỗ trợ lương thực trong 3 tháng giáp hạt và 50% học bổng đối với học sinh con hộ nghèo cư trú tại vùng đặc biệt khó khăn thuộc diện học ở trường PTDTNT nhưng đang theo học ở các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh. Là địa phương còn nhiều gian khó, nhưng từ khi chưa có chế độ cho học sinh PTDTBT, tỉnh Lai Châu đã dùng ngân sách hỗ trợ cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở với mức 400.000 đồng/học sinh/tháng kéo dài 9 tháng trong năm học. Mô hình bán trú ở Lai Châu đã được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của xã hội, ủng hộ của phụ huynh học sinh. Từ năm học 2011 - 2012, Lai Châu tiếp tục dành nguồn kinh phí hỗ trợ học bổng cho HSBT tại các trường THPT với mức hỗ trợ như đối với học sinh dân tộc bán trú bậc tiểu học và trung học cơ sở. Đặc biệt, HSBT dân nuôi tại các trường THCS là người dân tộc Mảng, La Hủ thuộc hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè còn được Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam hỗ trợ tiền ăn 150.000 đồng/tháng/học sinh.
Từ năm 2008 UBND tỉnh Lào Cai đã có quyết định hỗ trợ HSBT ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, học sinh bậc trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số ở nội trú tại các trường DTNT huyện mức hỗ trợ bằng 50% học bổng của học sinh nội trú. Hỗ trợ giáo viên quản lý HSBT, cấp dưỡng cho học sinh THPT ở trong trường nội trú huyện mức 20% lương tối thiểu. Hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn từ 80 -100% mức lương tối thiểu… Các tỉnh Nghệ An, Hòa Bình đã chỉ đạo UBND cấp huyện, xã có trường đóng trên địa bàn tạo điều kiện về diện tích đất, cùng với phụ huynh đóng góp nguyên vật liệu để làm nhà bán trú cho HS. Nhà trường thành lập Ban quản lý HSBT cùng với giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn HS bán trú trong học tập, tổ chức nấu ăn và sinh hoạt hàng ngày… Hay như một huyện đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu (Yên Bái), địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước (trên 70%) nhưng đã vận động mỗi cán bộ, công chức ủng hộ tối thiểu 20 kg gạo, mỗi hộ dân đóng góp 15 kg gạo trở lên vào “kho thóc khuyến học” để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn không được hưởng chế độ bán trú. Đến nay, đã có trên 18 tấn thóc và trên 180 triệu đồng tiền mặt ủng hộ vào quỹ khuyến học này.
Thực tế cho thấy, các địa phương đã dành sự quan tâm nhất định đối với sự nghiệp giáo dục nói chung, giáo dục dân tộc nói riêng, trong đó có loại hình trường PTDTBT, trường có HSBT và các em HSBT, với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, đã phần nào làm giảm đi những khó khăn trong đời sống của HSBT, tạo điều kiện cho các trường PTDTBT và trường có HSBT nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Thu Hồng
(Ban Chỉ đạo Tây Bắc)