Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso nêu rõ: "Chúng tôi không có lựa chọn nào khác là phải rất thận trọng về việc tham gia" ngân hàng này. Theo ông Aso, điều kiện để Nhật Bản tham gia AIIB là các khoản cho vay của ngân hàng này phải đáp ứng các quy định về môi trường và xã hội của nước này, và ban giám đốc AIIB phải thông qua các dự án một cách độc lập.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso. Ảnh: ibtimes.co.uk
|
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản chưa nhận được giải thích rõ ràng từ phía Trung Quốc liên quan đến các lo ngại của Nhật Bản về việc quản lý ngân hàng trên. Ông nói thêm rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục liên hệ với phía Trung Quốc và phối hợp với các nước khác để có những giải thích rõ hơn về việc này.
Trước đó, nhiều nước đã công bố tham gia AIIB trước hạn chót cuối tháng 3/2015 mà Trung Quốc ấn định để nhận đề nghị tham gia để trở thành thành viên sáng lập của ngân hàng này. Số thành viên sáng lập dự kiến đã lên tới hơn 40 nước, bao gồm các nước châu Á, châu Âu, Mỹ Latinh. Nhật Bản cùng với Mỹ và một số nước khác lo ngại việc thành lập ngân hàng này đặt ra thách thức đối với các thể chế tài chính hiện hành, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB)
Năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố dự án thành lập AIIB vào cuối năm 2015. Ngân hàng này sẽ đặt trụ sở tại Bắc Kinh với nguồn vốn ban đầu khoảng 50 tỷ USD và Trung Quốc sẽ là cổ đông lớn nhất. Theo dự án này, AIIB sẽ cung cấp các khoản vay cho xây dựng cơ sở hạ tầng như đường bộ, cầu và đường sắt tại các nước đang phát triển và mới nổi.
TTXVN/Tin Tức