Nguy cơ bùng phát cúm A/H1N1, sốt xuất huyết

Từ đầu tháng 6 đến nay, tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận liên tục phát hiện nhiều ca nhiễm và tử vong do cúm A/H1N1. Bên cạnh cúm A/H1N1, vào thời điểm này, dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng bắt đầu có dấu hiệu bùng phát mạnh.

 

5 ca tử vong do cúm A/H1N1


Các tỉnh Nam Bộ vừa liên tiếp xảy ra 5 trường hợp tử vong do cúm A/H1N1, trong đó có 3 ca tại TP Hồ Chí Minh, 1 ca tại Bến Tre và 1 ca ở Vĩnh Long. Hiện vẫn còn nhiều người nhiễm cúm A/H1N1 đang phải nằm điều trị tại các bệnh viện.


 

Nhiều trẻ nhập viện do mắc sốt xuất huyết.

Bác sỹ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, cho rằng, chủng vi rút cúm A/H1N1 là chủng vi rút cúm mùa và đang có xu hướng lây lan trong cộng đồng. “Nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nhưng cũng có rất nhiều bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng. Qua khảo sát tại Bệnh viện Nhiệt đới, có khoảng từ 20 - 30% số bệnh nhân bị cúm có liên quan đến đường hô hấp nhiễm vi rút cúm A/H1N1. Như vậy, có thể thấy rằng, vi rút cúm A/H1N1 là một trong những nguyên nhân gây bệnh lý đường hô hấp trong cộng đồng. Hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức về việc vi rút cúm A/H1N1 có sự biến đổi. Trong thời gian qua, những ca tử vong do loại vi rút này gây ra đa phần là do bệnh nhân đã có những bệnh lý nền như: viêm gan, suy thận và mắc các bệnh mãn tính khác”- bác sỹ Châu cho biết.


Trong khi đó, ông Lê Hoàng San, Viện phó Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, cho biết, bệnh cúm xảy ra hàng năm, tập trung cao điểm vào những tháng đầu mùa mưa, riêng ở miền Nam vẫn có 4 loại cúm mùa đang lưu hành. Tuy nhiên, hiện nay số ca nhiễm cúm đang có dấu hiệu gia tăng, bởi theo giám sát, cứ 100 người đến khám thì có khoảng 2 người bị nhiễm cúm A/H1N1.


Theo các bác sỹ chuyên khoa, cúm A/H1N1 tuy là cúm mùa thông thường, nhưng vẫn rất nguy hiểm đối với các đối tượng có nguy cơ cao như trẻ sơ sinh, thai phụ, người cao tuổi, người mang bệnh cảnh nền như suy gan, suy thận, tim mạch… Các bác sỹ khuyến cáo: Để phòng ngừa căn bệnh này, người dân cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, nghỉ ngơi có điều độ. Người dân nên dùng khẩu trang y tế để tránh mầm bệnh xâm nhập, rửa tay trước khi ăn và chăm sóc người khác. Nếu thân nhiệt nóng trên 380C, ho nhiều nên đến các cơ sở y tế khám để được phát hiện và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, người dân nên đi tiêm phòng vắc xin phòng ngừa cúm ngay khi có thể để tạo hệ miễn dịch cho cơ thể.

 

Sốt xuất huyết lại vào mùa


Ghi nhận tại khoa khám bệnh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh), từ đầu tuần đến nay, số bệnh nhi đến khám và điều trị đã tăng đột biến. Đa số các em nhập viện đều liên quan đến các bệnh đường hô hấp và SXH. Bác sỹ Nguyễn Thanh Hải, Phó khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết: “Đã vào mùa mưa nên số ca SXH bắt đầu gia tăng. Nếu như trong tháng 5 chỉ có 166 trẻ mắc SXH, thì từ đầu tháng 6 đến nay đã có 152 trẻ mắc. Dự kiến, trong thời gian tới, số trẻ mắc căn bệnh này chắc chắn sẽ tăng”.


Trong khi đó, theo bác sỹ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng 3 -5 ca nhập viện do SXH. Hiện khoa đang điều trị cho 20 trẻ mắc SXH, trong đó có khoảng 10% là ca nặng. So với tháng 5, số ca mắc SXH nhập viện từ đầu tháng 6 đến nay đã tăng gấp đôi. Dự kiến, đỉnh điểm của dịch sẽ từ tháng 8 - 9 và kéo dài cho tới cuối năm.


Theo đánh giá của Cục y tế dự phòng- Bộ Y tế, tính đến thời điểm này, số ca tử vong do SXH tăng 10 ca so với cùng kỳ năm ngoái và vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Phước. Bác sỹ Lê Minh Hùng, Phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho rằng, trong những tháng tới, dịch SXH sẽ có nguy cơ tăng mạnh trở lại vì đã vào mùa mưa. Do đó, Sở Y tế đã chỉ đạo cho các quận, huyện trên địa bàn luôn luôn trong tư thế phòng chống dịch. Sở Y tế thành phố cũng đã bắt đầu chiến dịch ra quân tháng hành động về vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và diệt muỗi, bắt đầu từ ngày 15/6 -15/7, trong đó đặc biệt giám sát các quận trọng điểm về SXH như Bình Chánh, Bình Tân, quận 8…


Các bác sỹ khuyến cáo: Vào mùa mưa, các bậc phụ huynh nên cho trẻ ngủ màn, vệ sinh nhà cửa, diệt lăng quăng trong các thiết bị chứa nước… Khi thấy trẻ sốt từ hai ngày, khóc quấy, phân đen… các bậc phụ huynh nên cho trẻ đến các bệnh viện để thăm khám.


Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN