Nghĩ về giáo dục nhân cách thanh thiếu nhi hiện nay

Lúc sinh thời Bác Hồ kính yêu luôn quan tâm đến công tác giáo dục nhân cách thanh thiếu nhi. Hiện nay trước xu thế phát triển, hội nhập và bùng nổ thông tin, vấn đề này càng trở nên phức tạp, khó khăn, nhạy cảm hơn bao giờ hết.


Có thể bắt gặp hiện tượng các em học sinh không thuộc hết bài “Quốc ca” mang hồn nước của dân tộc; không biết vua Quang Trung, Ngọc Hân công chúa... nhưng rành rẽ lai lịch vua Càn Long, Hoàn Châu công chúa... tận bên Trung Quốc. Trong các kỳ thi tốt nghiệp PHTH, đại học, dư luận đã cảnh báo về việc xuất hiện những bài văn kỳ lạ, bài thi môn sử, địa điểm không ( 0 ). Không nhói lòng sao được khi học sinh của ta lại không biết sử ta, không biết một chút gì về địa lý của ta. Học hết PTTH nhưng không rõ Trường Sa, Hoàng Sa của ta hiện nay thuộc tỉnh nào?


Không hiếm trường hợp thanh thiếu nhi rất vô tư gọi cha, mẹ, thầy cô giáo của mình bằng những từ ngữ chối tai như “ông lão”, “bà lão”, “cha nội đó”, “bà cố đó”... Dư luận nóng lên khi hàng loạt video clip học sinh nữ đánh nhau, quay phim tung lên mạng, học sinh tiểu học, THCS biết “cặp bồ”, thậm chí rủ nhau “đi bụi đời ”; học sinh đi học mang theo hung khí sẵn sàng “xử” nhau như những thước phim hành động nước ngoài có khi chỉ vì những lý do giản đơn, vớ vẩn. Thậm chí chúng còn vào tận lớp để hành hung thầy cô giáo. Dư luận đau lòng khi ngày càng có nhiều trẻ vị thành niên phải nạo phá thai vì quan hệ tình dục trước tuổi.


Nhìn từ góc độ khác, người lớn thường lên án thanh thiếu nhi hư hỏng nhưng lại không xem xét đến trách nhiệm giáo dục, quản lý của mình. Mỗi ngày trên các kênh của các truyền hình cả nước, đâu đâu cũng bắt gặp những bộ phim về lịch sử, nhân vật, sự kiện của Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc... còn phim lịch sử của ta chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa kể nội dung mà chỉ nói đến kỹ thuật làm phim cũng là điều đáng lo về sự tụt hậu, thiếu chặt chẽ về tình tiết bố cục. Hậu quả là trẻ em thích chưng diện, nói năng, đi đứng theo phong cách phim ảnh nước ngoài là điều tất yếu.


Trong giao tiếp, người lớn bây giờ lại quen sử dụng ngôn từ xưng hô “sư phụ”, “đại ca”, “sư tỷ”. “tiểu muội”...đã tác động đến suy nghĩ của lớp trẻ. Nhiều người lớn chưa thực sự gương mẫu trong đạo đức, tác phong, ăn nói, phong cách sống thiếu trung thực nên tạo ấn tượng xấu, thiếu lòng tin ở giới trẻ.


Mặt khác, phải nói rằng trong thời gian qua chúng ta đã quá đơn điệu, có lúc lại lãng quên việc giáo dục truyền thống lịch sử quê hương, giáo dục phong cách sống đơn giản, gần gũi, nhân ái, khoan dung cho lớp trẻ. Thực tế nhiều thanh thiếu nhi “mù tịt” về những danh nhân đất nước, địa phương, những di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng tại chính nơi mình đang sinh sống vì thiếu thông tin, thiếu hình thức tuyên truyền, giáo dục. Rất hiếm hoi ở các địa phương, các trường học tổ chức cho thanh thiếu nhi đi tham quan những di tích, các trung tâm nhân đạo để giáo dục nhân cách sống đẹp cho các em.


Nhìn từ các sân chơi bổ ích, có thể thấy vấn đề này dù đã có cố gắng rất lớn từ các địa phương, đơn vị nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu như: sân bóng, nhà hát, khu vui chơi, bảo tàng, thư viện, rạp chiếu phim... còn quá hạn chế nhất là khu vực nông thôn, trong khi xuất hiện khá ồ ạt những tụ điểm In ternet từ thành thị đến nông thôn, hệ lụy đi kèm là việc không thể quản lý các nội dung phim ảnh khiêu dâm, phản động, bạo lực...


Trong thời gian qua, phải nói rằng, các cấp bộ đoàn, đội, các hội LHTN đã cố gắng rất nhiều trong việc tập hợp lực lượng, rèn luyện đạo đức, tác phong, nhân cách sống cho thanh, thiếu nhi nhưng vẫn chưa đủ sức quản lý, thuyết phục do hình thức, tổ chức còn đơn điệu, chậm đổi mới, cán bộ quản lý còn quá hạn chế, kinh phí hoạt động chưa tương xứng.


Tương lai thanh thiếu nhi sẽ về đâu? Câu hỏi trách nhiệm đang đặt ra cho tất cả chúng ta. Cần lắm những biện pháp vừa xây, vừa chống. Cụ thể xây dựng đội ngũ chuyên trách có đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chuyên môn để tập hợp lớp trẻ. Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn nữa, đổi mới công tác lãnh đạo đối với Đoàn, Đội, Hội LHTNVN nơi mình quản lý. Đổi mới phương thức hoạt động của các cấp bộ Đoàn, Đội, hết sức chú ý đến việc giáo dục lịch sử, truyền thống cao đẹp, trong sáng của dân tộc thông qua các loại hình, địa chỉ cụ thể. Cần có nhiều sân chơi bổ ích để tập hợp giới trẻ. Người lớn phải trở thành tấm gương sáng cho lớp trẻ noi theo trên nhiều lĩnh vực. Cạnh đó cả cộng đồng phải đồng tâm hợp lực xóa bỏ những quan điểm sống lệch lạc, lai căng, vô bổ, các hình thức tuyên truyền độc hại, nguy hiểm.


Song Anh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN