Nghi thức phá quàn ở miền Tây Nam Bộ

Tại Hậu Giang có lưu truyền tích Điền Hoành - một tích gắn liền với lễ phá quàn. Điền Hoành là người hiếu nghĩa, giỏi võ nghệ nhưng đã bỏ nhà đi làm thảo khấu. Nghe tin lâu la báo tin rằng mẹ mình đã chết, Hoành quyết bằng mọi giá phải đánh cắp quan tài mẹ, ngay trong đêm, đem nhanh về núi, để có thể săn sóc phần mộ. Công việc không dễ dàng vì bọn cường hào đang theo dõi, chờ bắt. Khi bọn lâu la đã hoàn thành việc do thám, kế hoạch được triển khai…

Nửa đêm họ xuống núi. Cả bọn được lệnh ngậm thẻ để giữ im lặng, không hở môi. Anh ta cầm đuốc mở đường, chỉ huy bọn lâu la xông vào nhà "ăn cắp" trót lọt cái quan tài, rồi trở ra nhanh. Đi khỏi xóm một đổi, anh ta mới bắt đầu than khóc, họp lâu la hò hát cho đỡ mệt lúc khiêng lên sườn núi. Dọc đường, để chăm sóc cái quan tài không bị xao động, anh ta nhảy lên đứng trên mấy cây đòn khiêng để quan sát, đề phòng bọn cường hào đuổi theo…

Sự tích ấy được gắn với cách di quan và an táng của người chết ở miền đất này.

Thực hiện nghi thức, Nhưn quan cầm đuốc múa, tiến vào bàn đốt nhang.

Người biết nghi thức di quan và động quan đóng vai “Nhưn quan”, theo tích xưa thì là tên cướp chịu tang cho mẹ, nên vẽ mặt dữ dằn (chân mày đen rậm, mặt tướng), mặc đồ đỏ, còn những người khiêng quan tài (đạo tỳ) thì mặc quần áo có kiểu thức rất đặc biệt như bọn lâu la, mỗi người ngậm một cây nhang tượng trưng cho thẻ lệnh. Trước khi hoạt cảnh diễn ra, tất cả đều thi lễ trước quan tài người quá cố.

Trước quan tài, thầy chùa hóa thân thành người giữ linh cữu, tay cầm dải vải màu vàng chừng hai thước tây, múa mấy bài quyền như để khử trừ yêu quái, gọi là "phá quàn". Đoạn thầy cho hai đệ tử (những người này thường nằm trong ban nhạc lễ được chủ nhà thuê) đứng trước hàng cầm hai thanh tre tượng trưng như hai thanh đao, gác tréo, chận ngang như để gìn giữ chiếc quan tài ấy. Thầy chùa cúng vái trước quan tài xong, quay ra hét lớn: Nghe tiếng quân reo ngoài ngõ… giờ kiết nhựt linh sàng đã đến hay sao… Nhưn quan lai đáo…

Ngày nay, tục múa phá quàn ở miền Tây Nam Bộ vẫn tồn tại.

Nhưn quan (nhảy ra vừa múa vừa nói): Dạ dạ… Bẩm, Nhưn quan lai đáo… xin bẩm bạch tôn sư… có điều chi tôn sư chỉ dạy… (nói giọng mỉa mai rồi định xông vào)

Thầy chùa: Dang ra… Nhà ngươi là ai… từ đâu đến… hãy hài danh hài tánh, hài thị hài thiềng (thị, thành - nói trại đi), cho bổn sư được rõ…

Nhưn quan: Như ta đây thất đài san quê ngụ… danh tánh thị Điền Hoành… nghe gia nhân mách bảo rành rành, gia trung này có một quan tài,… mà quan tài ấy đáng giá ngàn vàng trăm lượng…

Ta sợ yêu tà cám dỗ,… nên ta mới hạ san xuống thu đoạt quan tài!…

Thầy chùa: Ngươi mau cho ta xem qua chứng chỉ của vua ban đặng hãn tường chơn giả!

Nhưn Quan: Đây là chiếu chỉ vua ban… ta trình lên để hắc bạch phân minh (thò tay lấy từ thắt lưng ra tờ giấy đỏ tượng trưng cho chiếu chỉ vua)

Thầy chùa: Nếu nhà ngươi là tướng cướp đã phục thiện làm lành thì ta nói rõ, đây không phải hòm vàng mà là một quan tài ta đã giữ từ lâu, nay gặp lại nhà ngươi! Ta sẵn sàng giao lại. Nhưng ta cho ngươi biết quan tài này làm bằng gỗ huỳnh đàn… đầu chạm vàng trang sức nặng ngàn cân… nhà ngươi có binh mã bao nhiêu mà đòi thu đoạt.

Nhưn quan: Quân của ta lớp lớp… hàng hàng… Dù quan tài có nặng vạn lần, ta đây cũng san bằng trở lực…

Khi Nhưn quan hát, thầy chùa ra vẻ lóng tai nghe, tỏ ý chấp thuận, đoạn hô to: Truyền! Các tư kỳ sự! (Truyền: Ai lãnh việc gì phải giữ lấy việc ấy).

Hai người cầm đao canh giữ trước quan tài lùi ra, thầy chùa cũng lui vào (chuẩn bị thay áo già để dẫn vong). Nhưn quan cầm đuốc lửa, vừa múa vừa tiến vào bàn minh tinh đốt nhang, rồi khóc thương thảm thiết, lấy chiếc khăn tang trắng (được chuẩn bị sẵn để trên cái dĩa ở bàn minh tinh) quấn lên đầu mình. Nhạc cổ truyền: kìm, cò, tranh, sáo, tiêu,… đệm theo lời ca.

Đoạn Nhưn quan nhảy múa ba vòng xung quanh trước quan tài, lăn qua cả dưới đáy hòm như để khám xét xem sự nặng nhẹ, khó dễ trong việc cử quan, lúc bấy giờ trên nắp quan tài người ta có để cái dĩa với mấy đồng bạc, Nhưn quan đưa tay ra bộ lấy bỏ vào túi, miệng ngậm dầu lửa phun vào ngọn đuốc, lửa bốc cao đỏ rực, trống, kèn, đờn tấu vang liên hồi, Nhưn quan quay phắt trở ra hô to:

- Hỡi đạo hò đàng ta! (đạo tỳ đồng hô “dạ” hoặc "ơ" vang dậy). Phải chính túc đai cáo… Cúc cung từ bái! (đạo tỳ đồng hô “dạ” hoặc "ơ").

Sau đó, Nhưn quan điều khiển hai hàng đạo tỳ tiến vào khiêng bàn minh tinh qua một bên, lư hương được con trai trưởng hoặc cháu nội lớn bưng, con cháu theo che dù, theo sau là bài vị, hay ảnh chân dung người mất, và tấm triện.

Nhưn quan điều khiển tập thể đạo tỳ phò linh cữu đặt lên vai từ từ đưa ra khỏi nhà, bấy giờ, Nhưn quan bỏ đăng chúc (đèn), hai tay cầm hai chiếc sanh bằng cây tre, miệng hát lên, trong khi tay thì nhịp gõ.

Qua mỗi lệnh truyền và tiếp theo một hồi sanh, những động tác rập ràng thuần thục diễn ra đồng bộ trong không khí nghiêm mật và im lặng khác thường, nếu huyệt mộ ở sau vườn đất nhà thì đạo tỳ khiêng một lượt tới nơi mới để quan tài xuống ghế kê sẵn, còn nếu đường đi xa thì đưa quan tài lên chiếc nhà vàng (linh xa) từ từ chuyển động đúng theo động tác rất ăn ý của tập thể Nhưn quan, đạo tỳ.

Thầy chùa lúc bấy giờ mặc áo già, tay cầm chiếc sênh, miệng tụng kinh để dẫn vong. Con cháu, dòng họ đưa tang tay cầm nhang lần lượt đi theo sau quan tài, ra khỏi nhà. Trên đường đi, trống đánh liên hồi, người ta còn rải vàng bạc dọc đường với ý nghĩa cho ma cũ lượm tiền xài, không theo phá để đạo tỳ khiêng quan tài nhẹ hơn, …

Đến nơi, người bưng lư hương đến trước, hàng được đạo tỳ đặt trên ghế, con cháu vái lạy lần nữa, rồi dưới sự hướng dẫn của Nhưn quan, hàng từ từ được đưa xuống đất (người ta để ở hai đầu hàng hai nửa cây cà bắp nối lại làm dây để thòng quan tài xuống huyệt), khi hàng chạm đáy, người ta dùng dao cắt bỏ dây, người con trai trưởng bỏ xuống huyệt nắm đất đầu tiên, sau đó các anh em con cháu khác lần lượt thực hiện thao tác ấy, nó thể hiện ý nghĩa con cháu táng an cho ông, bà cha, mẹ.

Lúc bấy giờ người ta đánh một trống dài nữa rồi dứt luôn (người ta kiêng không được đụng đến mặt trống sau khi đã chôn cất).

Ngày nay, sau bao biến thiên thay đổi, tập tục múa phá quàn táng an người mất vẫn còn tồn tại ở vùng đất này.
Minh Thương
Nghi thức kéo co ngồi đền Trấn Vũ
Nghi thức kéo co ngồi đền Trấn Vũ

Nghi thức kéo co ngồi diễn ra trong lễ hội đền Trấn Vũ (thôn Ngọc Trì, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội), là trò diễn mang tính nghi lễ, có nguồn gốc sâu xa từ tín ngưỡng phồn thực. Nghi lễ được thực hành với mong muốn cầu mong mưa thuận gió hòa, đủ nước cho sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN