Trong tuần qua, các ngân hàng thương mại tại TP Hồ Chí Minh liên tục công bố tăng lãi suất huy động lên trên 12% đối với kỳ gửi dài hạn. Đây được xem là tín hiệu vui cho người gửi tiền, nhưng lại là nỗi lo cho các doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, cuộc chạy đua lãi suất này có thể làm mất đi cơ hội được giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới.
Đồng loạt lên 13%/năm
Tiếp theo sau các ngân hàng ACB, Eximbank, Sacombank, BacABank, DaiABank, VietBank… đồng loạt tăng lãi suất huy động, mới đây ngân hàng GP.Bank cũng công bố bắt đầu áp dụng biểu lãi suất huy động mới với mức lãi suất cao nhất 13% dành cho các khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động đối với kỳ hạn 12 tháng tăng lên mức 12,5%/năm.
Giao dịch tại Hội sở Vietcombank. Ảnh: Trần Việt - TTXVN |
Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc ngân hàng ACB, cho biết việc các ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên 13%/năm là nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài, từ đó cân đối giữa nguồn vốn đầu vào và đầu ra. Bởi thời gian qua, phần lớn các khoản cho vay của ngân hàng đều là dài hạn, khiến nguồn tiền không cân đối giữa huy động và cho vay. Theo đó, việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên 13%/năm chỉ tập trung ở các kỳ hạn từ 12 đến 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Đây cũng là những kỳ hạn không bị khống chế trần lãi suất theo quy định hiện hành. Các kỳ hạn dài hơn vẫn ở dưới 12%/năm, riêng các kỳ hạn dưới 12 tháng vẫn tối đa là 9%/năm.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất đồng loạt này có liên quan đến Thông tư 21 về việc siết lại hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng. Bởi từ sau khi Thông tư 21 có hiệu lực, các ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vốn tại thị trường dân cư. Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tuần đầu tiên thực hiện Thông tư 21 (từ ngày 1 - 7/9), doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm rất mạnh. Cụ thể, doanh số giao dịch bằng VND chỉ đạt xấp xỉ 49.698 tỉ đồng, giảm 58% so với tuần trước đó.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển - Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế ứng dụng, nhận định việc đưa lãi suất huy động lên cao sẽ giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn tốt hơn. Khi có nguồn vốn dồi dào, các ngân hàng sẽ đảm bảo duy trì các chỉ số an toàn tài chính tốt hơn, đồng thời cũng sẽ giúp ngân hàng chủ động hơn về nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.
Mất cân đối huy động và cho vay
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều nguyên nhân đằng sau việc tăng lãi suất huy động. Trong đó, nguyên nhân chính là mất cân đối huy động và cho vay. Thống kê của Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh cho thấy, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố 9 tháng ước đạt 952.300 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn thành phố ước đạt 773.950 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kì. Như vậy, khoảng cách chênh lệch giữa huy động và cho vay gần 4%.
Thực tế hiện nay, cấu trúc tiền gửi của các Ngân hàng thương mại (NHTM) huy động hiện tại tập trung vào các kỳ hạn rất ngắn: kỳ hạn 1-3 tháng chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong khi đó, nguồn tiền cho vay lại là dài hạn. Do đó, các NHTM luôn bị áp lực xoay dòng tiền. Chưa kể, hơn 1 năm qua, các NHTM luôn dựa vào vốn vay của thị trường liên ngân hàng và ngân hàng Nhà nước. Nhưng theo Thông tư 13, tỷ lệ khả năng chi trả cho ngày hôm sau của các ngân hàng là 15% và bảy ngày tiếp theo là 100%. Trong bối cảnh vĩ mô hiện nay, dòng tiền gửi thường có xu hướng kỳ hạn ngắn và hay biến động. Chính vì vậy, các NH phải đua nhau tăng lãi suất nhằm kéo về dòng tiền gửi dài hạn để có thể dễ dàng xoay tiền hơn.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, sau một thời gian lãi suất huy động giảm và giữ ổn định, nay ngân hàng đẩy lên cao cho thấy nhiều khả năng những ngân hàng đó đang “đói vốn”.
Dù sao, việc bất ngờ tăng lãi suất huy động vào chu kỳ cuối năm cũng được nhiều chuyên gia đánh giá là bình thường. Bởi thực tế hàng năm cho thấy, cứ đến thời điểm này, các NH luôn gặp khó khăn về thanh khoản do nhu cầu chi tiêu của doanh nghiệp cũng như cá nhân tăng đột biến. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ có những biến động nhẹ về giá vàng, tỷ giá nên nhiều khả năng một bộ phận người dân chuyển từ gửi tiết kiệm VND sang găm giữ vàng và ngoại tệ, khi đó sẽ có những tác động nhất định lên tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, ông Hiển cũng lo ngại việc chạy đua lãi suất sẽ tác động không nhỏ đến lãi suất cho vay. Vì khi lãi suất huy động là 13%/năm, bắt buộc lãi suất cho vay thấp nhất 17%/năm, như vậy là quá cao với người dân cũng như doanh nghiệp. Nếu tình trạng này kéo dài, sẽ gây áp lực lên thị trường lãi suất cho vay, đặc biệt vào dịp cuối năm khi nhu cầu vay tăng cao.
Hải Yên