1/10/2010 - thời điểm Thông tư 13/2010/TT-NHNN của NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng đang đến gần, chính vì vậy ngày 24/9, Văn phòng Chính phủ có văn bản hỏa tốc gửi Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 13/2010/TT-NHNN do Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 20/5/2010. Hiện thông tư này đang khiến các ngân hàng sẽ gặp khó khăn trong mở rộng tín dụng, dẫn tới dòng tiền trên thị trường bị siết lại. Vậy đâu là mấu chốt của vấn đề
Khó đáp ứng tỉ lệ vốn theo qui định
Những nội dung chính mà Thủ tướng yêu cầu xem xét trước hết là các quy định về về tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động; cấu phần “bảo lãnh” trong tổng mức cấp tín dụng; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của tổ chức tín dụng; tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và khoản vay của tổ chức tín dụng khác có thời hạn từ 3 tháng trở lên... trong nguồn vốn huy động; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR); hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản để bảo đảm hoạt động của hệ thống tài chính, tiền tệ ổn định, an toàn, không để xảy ra ách tác trong những tháng cuối năm 2010 đầu năm 2011.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý đầu tiên trong Thông tư 13 là nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các TCTD từ 8% lên 9%. Nhiều ngân hàng thương mại cho rằng, họ không có khả năng đáp ứng yêu cầu này trong vòng vài tháng (tính từ khi Thông tư 13 ban hành đến 1/10/2010).
Mặc dù Thông tư 13 đưa ra 5 nhóm tỷ lệ an toàn vốn, trong đó có những điều chỉnh so với quy định, nhưng tỷ lệ an toàn vốn khó thực hiện và có mức độ ảnh hưởng nhất đến hoạt động của toàn hệ thống ngân hàng là 3 tỷ lệ sau đây:
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu với sự điều chỉnh từ 8% lên 9%, áp dụng với cả báo cáo tài chính hợp nhất. Chỉ tiêu này đo lường tỷ lệ giữa “vốn tự có” và “tổng tài sản có rủi ro” của ngân hàng. Đồng thời, tỷ lệ giới hạn góp vốn mua cổ phần với điều chỉnh giảm. Cụ thể, TCTD góp vốn vào công ty trực thuộc tối đa không quá 25% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của TCTD. TCTD và công ty trực thuộc góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp không vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp. Điều nữa, tỷ lệ cấp tín dụng, không vượt quá 80% tổng nguồn huy động, trong đó, nguồn cấp tín dụng sẽ chỉ bao gồm tiền gửi của khách hàng cá nhân, tiền gửi có kỳ hạn của tổ chức (trừ KBNN), tiền vay của tổ chức trong nước (trừ vay của KBNN, vay của TCTD khác trong nước) …
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Vietcombank nhấn mạnh, nếu không được Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng thêm 33% vốn điều lệ mới đây để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu kể từ ngày 1/10 thì Vietcombank cũng gặp khó khăn. Theo ông Bình, việc VCB bán bớt cổ phần của GiaDinh Bank chủ yếu là để đảm bảo hệ số an toàn vốn cao hơn, chứ thực sự ngân hàng không có nhu cầu bán, vì giá cổ phiếu đã giảm.
Theo báo cáo gần đây của Công ty chứng khoán SME, trong số 6 ngân hàng niêm yết, ngay cả hai “ông lớn” Vietcombank và Vietinbank vẫn chưa nâng được CAR lên mức 9% .
Hai biện pháp mạnh nhất và đem lại hiệu quả nhanh nhất mà các ngân hàng đang tìm cách áp dụng là tăng vốn điều lệ hoặc thoái vốn khỏi các công ty con, tổ chức tín dụng khác. Đây là nguyên nhân góp phần tạo áp lực khiến hàng loạt ngân hàng đã đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng như yêu cầu của NHNN phải rục rịch phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn. Cả hai biện pháp này vô hình trung đều đem lại một hệ quả tất yếu, đó là dồn sức ép lên phía cung của thị trường chứng khoán...
Áp lực lên cổ phiếu ngân hàng
Theo nhiều chuyên gia chứng khoán,với Thông tư 13, NHNN muốn tăng cường khả năng thanh khoản cho toàn bộ hệ thống ngân hàng vốn được coi là huyết mạch của nền kinh tế. Tuy nhiên, áp lực từ việc giảm tỷ lệ cho vay dẫn đến chi phí vốn đầu vào tăng lại không thể được bù đắp bằng cách tăng lãi suất đầu ra.
Với tỷ trọng khoảng 80% doanh thu của các NHTM hiện nay đến từ mảng tín dụng, tác động thắt chặt từ Thông tư 13 sẽ làm giảm đáng kể tỷ suất lợi nhuận biên của các ngân hàng, dẫn đến giảm sự hấp dẫn của nhóm cổ phiếu ngành này.
Trước áp lực tăng CAR lên 9%, nhiều ngân hàng sẽ không bỏ qua giải pháp tăng vốn điều lệ, thông qua công tác phát hành cổ phiếu ra TTCK. Áp lực này cùng với việc nhiều ngân hàng quy mô vốn nhỏ đang đứng trước yêu cầu của NHNN phải tăng vốn điều lệ lên ít nhất 3.000 tỷ đồng hoàn toàn có thể khiến thị trường “lụt” trong nguồn cung chứng khoán ngân hàng vào những tháng cuối năm.
Dưới áp lực cung như vậy, đi kèm với nguy cơ giảm lợi nhuận, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ mất dần đi tính hấp dẫn, ít nhất là trong ngắn hạn. Từ đầu năm đến nay, trong khi VN Index chỉ giảm 10,35% thì nhóm các cổ phiếu ngân hàng đều mất giá từ 18,71% đến 32,26%
Tháo gỡ cách nào?
Cách nào để đáp ứng tỷ lệ vốn theo quy định của Thông tư 13, nhiều ngân hàng cho rằng chỉ còn cách tích cực tăng vốn điều lệ, giúp vốn tự có tăng lên, qua đó làm tăng tỷ lệ an toàn vốn. Các ngân hàng nhỏ là nhóm tích cực tăng vốn nhất, bởi nhóm này không chỉ phải đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn mới theo Thông tư 13 mà còn phải đảm bảo vốn điều lệ không dưới 3.000 tỷ đồng trước khi năm 2010 kết thúc theo quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP.
Một biện pháp nữa cũng được các ngân hàng tính đến, đó là việc điều chuyển nhóm tài sản có mức độ rủi ro cao sang các tài sản có rủi ro thấp. Những tài sản có hệ số rủi ro lớn như cho vay công ty con, liên doanh, liên kết, cho vay đầu tư chứng khoán và cho vay kinh doanh bất động sản sẽ giảm đi.
Các ngân hàng có thể ngừng cho vay các khoản mục này trước ngày 1/10/2010 để đáp ứng được các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 9%. Còn sau ngày 1/10/2010, các ngân hàng lại có thể cho vay lại như cũ cho đến kỳ báo cáo tiếp theo.
Đối với giới hạn cấp tín dụng, được quy định là không quá 80% nguồn vốn huy động, qua khảo sát báo cáo tài chính của một số ngân hàng phần lớn trong số này vẫn chưa đạt được tỷ lệ 80%. Tỷ lệ cấp tín dụng hiện dao động phổ biến từ 80 - 110%. Để đáp ứng tỷ lệ này, các ngân hàng sẽ phải giảm tín dụng và tăng cường nguồn huy động.
Về dài hạn, tài chính - ngân hàng vẫn là ngành then chốt của nền kinh tế, tầm quan trọng của nó là không thể phủ nhận. Sau thời kỳ có tính chất chuyển giao này, nhiều ngân hàng có thể sẽ đi vào quỹ đạo phát triển ổn định bền vững. Chính vì vậy, Chính phủ cũng như NHNN cần có những quyết sách kịp thời nhằm ổn định và tạo động lực cho hệ thống này phát triển...