Sáng 11/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của hai dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi).
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần khẳng định được những thay đổi căn bản so với luật hiện hành nhằm tập trung khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế trong hoạt động đấu thầu hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Dự thảo luật cần chứng minh được những điểm hơn so với luật hiện hành, nhằm giải quyết, xử lý được tình trạng thông thầu, tiêu cực trong đấu thầu; đảm bảo tính nghiêm túc, khả thi, hiệu quả của luật trong thực tế. Nhiều ý kiến cũng đề nghị cần có những quy định chặt chẽ, chi tiết hơn trong việc lựa chọn nhằm đảm bảo năng lực nhà thầu; quy định thống nhất phương pháp đánh giá hồ sơ thầu theo tiêu chí giá thấp nhất nhưng chất lượng tốt nhất; giá trúng thầu là giá cuối cùng và đã phải tính toán hết những biến động, rủi ro phát sinh, “lời ăn lỗ chịu”.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, hiện chi phí thuốc chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi phí điều trị (trên 60%). Nếu có cơ chế quản lý tốt, đấu thầu tốt, con số này có thể giảm xuống.
Mở rộng quy định về công khai để chống lãng phí
UBTVQH cơ bản tán thành những vấn đề lớn thống nhất tiếp thu trong dự án Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) về: Tính kế thừa, tính cụ thể của dự thảo luật; các cơ chế công khai, minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; quy định các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trách nhiệm người đứng đầu...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) cần khắc phục tình trạng không xử lý được những vi phạm trong lãng phí công như quy hoạch treo, bỏ hoang đất... mà gắn liền là tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó là vai trò của Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội đối với vấn đề lãng phí trong xã hội như việc tổ chức lễ hội tràn lan với những hệ lụy như đánh bạc, buôn thần, bán thánh; lãng phí trong việc hiếu, việc hỉ...
Về vấn đề cơ chế công khai minh bạch, giám sát, phát hiện, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai và nhiều đại biểu, là một trong những điểm quan trọng, nên mở rộng thêm, trừ những lĩnh vực bí mật để luật có hiệu lực mạnh hơn.
Thành lập Đại học Kiểm sát Hà Nội
Buổi chiều, UBTVQH cho ý kiến về Tờ trình của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) đề nghị phê chuẩn Quyết định việc thành lập mới, điều chỉnh, bổ sung tên gọi một số đơn vị thuộc bộ máy làm việc của VKSNDTC và một số vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.
Qua thảo luận, UBTVQH nhất trí với việc thành lập mới Vụ Thi đua Khen thưởng và Đại học Kiểm sát Hà Nội (thuộc VKSNDTC) và bổ sung tên gọi Cục Điều tra VKSNDTC thành Cục Điều tra (Cơ quan điều tra của VKSNDTC). Các vấn đề khác sẽ được xem xét, quyết định sau.
Hỗ trợ người tham gia chữa cháy
Thảo luận về tính chất vũ trang của lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước tán thành với quan điểm của Ủy ban Quốc phòng - An ninh: Xác định lực lượng Cảnh sát PCCC là một bộ phận của lực lượng vũ trang nhân dân đã được khẳng định tại điều 47 Luật PCCC hiện hành và được quy định tại các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Công an nhân dân. Theo đó, tính chất hoạt động vũ trang, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC có tính đặc thù, được đào tạo và giác ngộ chính trị khác với lực lượng PCCC chuyên ngành khác. Ngoài ra, lực lượng này còn thường xuyên được huy động thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, đột xuất khác để bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội.
UBTVQH cũng tán thành quy định chính sách hỗ trợ thường xuyên cho các đối tượng là đội trưởng, đội phó đội dân phòng và PCCC cơ sở, bổ sung quy định người dân tham gia chữa cháy trực tiếp được hưởng chế độ hỗ trợ như các lực lượng PCCC khác...
Thanh Hòa